Mỗi tuần một cổ phiếu: DBC - Cổ phiếu gây tranh cãi?

Giá cổ phiếu DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam - tăng gấp 2 lần trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng - đã gây nhiều tranh cãi trong giới đầu tư. Có nhận định cho rằng, đây là “siêu cổ phiếu” nhưng cũng có khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn thận.
Mỗi tuần một cổ phiếu: DBC - Cổ phiếu gây tranh cãi?

Trong suốt hơn 2 tuần giao dịch vừa qua, chỉ số Vn-Index liên tục hồi phục, có phiên lên đến gần 790 điểm trước đà tăng giá của nhiều nhóm cổ phiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi đặc biệt tăng trưởng mạnh, giữa bối cảnh nhu cầu thực phẩm tăng cùng với ngành hồi phục mạnh dưới tác động của giá thịt lợn.

Cổ phiếu “vượt bão” dịch

Được biết, giá thịt lợn tăng cao tác động mạnh tới chuỗi sản xuất – chăn nuôi theo hướng tích cực. Các doanh nghiệp từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi và thương mại đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng sau khi đã chạm đáy năm 2017.

Mặc dù đã có chỉ đạo điều tiết giá thịt lợn trước tình trạng nhảy múa từ giai đoạn đầu bùng phát dịch, đến nay giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng mạnh. Nguyên nhân theo giới quan sát là do lo ngại khan hiếm, trước đó là dịch tả heo Châu Phi khiến tổng đàn heo giảm mạnh.

Mặt khác, dịch bệnh thay đổi cách mua hàng của người tiêu dùng trong ngắn hạn; kết quả lượng tồn kho của các doanh nghiệp bán hàng qua hệ thống siêu thị sẽ giảm mạnh nhờ xu hướng tiêu dùng mua đồ tích trữ của người dân.

Trở lại với giao dịch cổ phiếu, gây chú ý nhất là mã DBC khi liên tục tăng tốt kể từ những phiên giao dịch gần cuối tháng 3 với mức giá 14.040 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên 28.000 đồng/cp (phiên 17/4).

Trong chuỗi tăng giá gần 1 tháng của DBC thì gây chú ý nhất là 10 phiên tăng liên tiếp từ 7-17/4, trong đó có 3 phiên tăng trần. Hầu hết những phiên còn lại đều ghi nhận mức tăng hơn 5%. Thông tin hỗ trợ cho đà tăng thẳng đứng này của DBC có lẽ đến từ những thông tin đến từ kết quả kinh doanh quý I/2020 của Dabaco.

Theo đó, kết thúc quý I, doanh thu công ty đạt 3.268 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 340 tỷ đồng, tăng 17 lần so với quý I/2019 nhờ sản lượng thực phẩm tăng mạnh. Những năm trước đây, doanh thu của DBC chủ yếu từ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2018, Dabaco đẩy mạnh mảng sản xuất thịt lợn, trứng gà giúp doanh thu tăng vọt. Sang năm 2019, doanh thu từ thức ăn chăn nuôi chiếm 40,6% trong khi trứng, thịt lợn chiếm 28,4%.

Nếu lùi xa hơn, tính từ đầu năm 2020 đến nay, DBC là một trong số ít các cổ phiếu trên sàn chứng khoán tăng điểm trong "cơn bão" dịch bệnh Covid-19 với mức tăng gần 20%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Dabaco đặt chỉ tiêu tổng doanh thu  (bao gồm cả doanh thu nội bộ) đạt 13.203 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 512 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 457 tỷ đồng.

Rủi ro từ chính thế mạnh? 

Đà tăng của DBC thời gian qua đã khiến không ít nhà đầu tư hân hoan bởi sau khoảng thời gian quá dài giao dịch “lẹt đẹt” với những con sóng “lăn tăn” thì giờ đây đã nhận được “phần thưởng” đặc biệt hơn nữa là trong bối cảnh hầu hết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều giảm sâu.

Tuy nhiên, theo quan điểm của CTCK Đại Nam, rủi ro của DBC lại đến từ chính thế mạnh của công ty bởi dù chiếm tỷ trọng ngày càng cao nhưng giá thịt lợn biến động mạnh khiến lợi nhuận ở mảng này không được ổn định.

Cũng đưa ra quan điểm cá nhân, một nhà đầu tư có kinh nghiệm cho biết, lĩnh vực nông nghiệp mà Dabaco đang theo đuổi là lĩnh vực gần như không có rào cản gia nhập ngành. Ai cũng có thể nuôi lơn, nuôi gà để bán. Biên lợi nhuận của Dabaco được cải thiện là nhờ tình hình hình dịch bệnh, điều này khiến lợi thế cạnh tranh của công ty là không bền vững.

Xét về góc độ tài chính, kết quả kinh doanh khởi sắc không đi kèm với chất lượng tài sản tăng thì Dabaco khó có thể đi xa trong vài năm tới. Nhà đầu tư này cho biết, cho đến trước quý III/2019, Dabaco vẫn được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản, bán lẻ và chăn nuôi và không lĩnh vực nào thực sự nổi trội.

Công ty sở hữu bảng cân đối tài sản hết sức cồng kềnh khi khoản mục tiền chỉ chiếm 5% tổng tài sản, phần lớn bảng cân đối kế toán nằm ở khoản phải thu, hàng tồn kho và các tài sản dài hạn khác. Điều này tiếp tục được duy trì đến quý IV/2019 và quý I/2020.

Hiện, Dabaco đang là một doanhnghiệp có dư nợ vay cực lớn lên tới gần 5.000 tỷ đồng cả ngắn hạn và dài hạn, mỗi năm tiền lãi ngân hàng còn cao hơn cả lợi nhuận sau thuế (chưa kể tiền gốc vay phải trả).

Ở một góc nhìn khác, cú tăng giá “thần sầu” của cổ phiếu DBC vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công hồi giữa năm 2018 khi Hiệp định CPTPP được ký kết và kỳ vọng ký thêm EVFTA.

Nhờ những kỳ vọng này, TCM tăng một mạch lên 30.000 đồng/cp, tuy nhiên ngay sau đó đã đổ đèo về mức giá 21.000 đồng/cp, tương đương 30% trước khi hồi phục trở lại vào đầu năm 2019. Điểm giống nhau DBC và TCM đều có lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn hỗ trợ cho đà tăng của giá, 2 doanh nghiệp đều vay nợ lớn và lợi nhuận khá thất thường.

Tính đến phiên giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu DBC đã có 2 phiên giảm sàn liên tiếp về mức giá 24.250 đồng/cp, tuy nhiên thanh khoản của cổ phiếu này khá tốt khi trung bình đạt hơn 6 triệu đơn vị mỗi phiên.

Có thể bạn quan tâm