Phạm Thuý Anh là cái tên tôi nghe đã lâu kể từ lúc quay trở lại với hội hoạ. Cũng gặp chị đôi lần, thấy chị là người có phong thái một quý bà, có điều kiện nhưng kín đáo, nền nã, không phô phang và dễ gần bởi giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười cởi mở...
Tôi theo phong cách phương Tây, gặp người, chơi với nhau... không nên hỏi làm gì, thu nhập thế nào (người phương tây cho đó là những câu hỏi khiếm nhã), mà căn cứ vào ứng xử của người đó với cuộc sống mà biết họ là ai...
Từ lần gặp đầu, đến hôm nay, trong triển lãm “ Hồng sen - Tháng Sáu” mà chị Phạm Thuý Anh là người khởi xướng, cũng là chủ nhân toàn bộ 18 bức tranh được triển lãm tại ngôi nhà di sản/ biệt thự cổ mới trùng tu 49 Trần Hưng Đạo.
Những bức tranh này Phạm Thuý Anh sưu tập trong thời gian gần đây cùng nhiều bức khác với các đề tài khác, không chỉ bởi tình yêu nghệ thuật, hội hoạ mà còn bởi tấm lòng của chị đối với các tác giả( người tạo ra nghệ thuật) và vì cộng đồng (người được thụ hưởng nghệ thuật).
Sở dĩ chỉ bày 18 bức vì số này chị cũng đã mang sang triển lãm ở Paris cùng với những chiếc nón lá, gợi cho nhiều người nhớ đến hình dáng tâm hồn Việt. Và bày trong Tháng Sáu vì đang là mùa sen ở Việt Nam.
Các bức tranh nằm trong Triển lãm này có thể kể đến: “Mùa Sen” (Phạm An Hải),” Sen Tây Hồ” (Hải Kiên), “ Sen hồng “(Đào Liên Hương), “Sen vào hạ”(Bình Nhi),” Mùa sen vàng” (Nguyễn Văn Đức), “Sen thắm” (Lê Anh Huy), “Sen lửa” (Lê Hữu Dũng), và các bức khác của Mai Xuân Oanh, Vũ Đình Tuấn, Hoàng Nghĩa Hiệp, Nguyễn Minh, Nguyễn Cường...
Hoạ sĩ Đào Liên Hương, Trưởng ban vận động ngoại giao văn hoá kể rằng: Phạm Thuý Anh là người yêu cái đẹp, tâm hồn hướng thiện, chị là gương mặt nổi bật trong các dự án thiện nguyện đóng góp cho công tác phòng chống đại dịch Covid-19.
Cùng với các bạn như chị Ba Phượng, chị Hoàng Ngọc Mai, các tên tuổi quen thuộc trong các buổi đấu giá tranh gây quỹ thiện nguyện, các chương trình tặng tranh cho 10 bệnh viện Hà Nội, Phạm Thuý Anh đã đóng góp rất nhiều cho các chương trình, đem lại lợi ích tinh thần và vật chất cho cộng đồng.
Trước đó, tối 18/6 tại khách sạn Lotte TP.HCM, chị đã chính thức trao tặng bộ sưu tập tranh mang tên “Duyên Hồng” này cho vợ chồng con trai Anh Tùng- Mỹ Linh. Chị mong truyền cảm hứng cho thế hệ sau về tình yêu nghệ thuật hội hoạ và tiếp tục các hoạt động cộng đồng. Chị cũng đã từng mở các cuộc triển lãm “Phố và Hoa” (2021), “Vẻ đẹp hồng tâm” (2023).
Các cuộc trưng bày của chị đều cùng chủ đề tôn vinh cái đẹp. Chị muốn lan toả cái đẹp từ sáng tạo của nghệ sĩ tới sự thụ hưởng của cộng đồng. Sao cho cuộc sống luôn dồi dào năng lượng tích cực vì cái đẹp.
Chị tâm sự: “Suốt thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, con người đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn, mất mát... Tôi bắt tay sưu tập các bức tranh trong bộ sưu tập “Duyên Hồng” với mong muốn lan toả tinh thần lạc quan, yêu cái đẹp, mở ra những hy vọng và khát vọng mới trong cuộc sống. Mỗi bức tranh đều có vẻ đẹp riêng nhưng tựu trung lại, cùng cảm hứng về sự ấm áp, lạc quan, mang những đường nét rực rỡ, gợi mở, bình yên.
Hầu hết những bức tranh đều được các họa sỹ vẽ trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Ở chính giai đoạn khó khăn, thử thách nhất, các họa sĩ cũng dành nhiều thời gian, trăn trở để sáng tạo. Khủng hoảng dịch bệnh mang lại nhiều khó khăn, mất mát nhưng cũng là thời điểm để hội họa thể hiện khả năng phục hồi và tính bền vững, cũng như khai thác được sức mạnh từ sự sáng tạo vốn có.
Không những vậy, với tài năng, sự ảnh hưởng của mình các họa sỹ đã tổ chức nhiều hoạt động bán đấu giá tranh, quyên góp thiện nguyện... để chung tay với những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, sẻ chia sát cánh với đồng bào TP.HCM và miền Nam vượt qua đại dịch...
Tôi rất hạnh phúc vì được hòa mình vào dòng chảy yêu thương đó... Bằng việc ngắm nhìn các bức tranh, tôi muốn các y bác sỹ và bệnh nhân cảm thấy phấn chấn, lạc quan hơn.
Tôi cũng muốn, thế hệ trẻ hiểu rằng, cái đích hướng tới của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng đâu chỉ dừng ở việc phản ánh hiện thực mà người họa sỹ còn gửi những thông điệp về tư tưởng, những chuẩn mực về tình cảm, thẩm mỹ đối với xã hội và con người. Những bức tranh đẹp, thánh thiện không chỉ hướng tâm hồn con người đến chân, thiện, mỹ mà còn giúp con người đào luyện mình ngày càng hoàn thiện hơn, ngày càng nhân ái và tốt đẹp hơn.
Việt Nam đang có thế hệ sưu tập thứ 5, với vài trăm người, đông hơn cả 4 thế hệ trước cộng lại. Đa số họ sinh sau 1975 và giờ là thế hệ 9x góp mặt với các bộ sưu tập bề thế, có giá trị rất cao. Mua được những bức tranh quý của các họa sĩ thực sự là một quá trình đòi hỏi đam mê thực sự. Nhưng trên hành trình sưu tầm của mình, tôi chưa bao giờ nản lòng.
Nghệ thuật đồng nghĩa với sự kiên cường. Khủng hoảng dịch bệnh hiện tại chính là thời điểm để nghệ thuật thể hiện khả năng phục hồi và tính bền vững, cũng như khai thác được sức mạnh từ sự sáng tạo vốn có. Sự lạc quan và khả năng thích nghi của lực lượng đông đảo họa sĩ, tài năng trẻ đã trở thành những nhân tố cơ bản để đời sống hội họa có sự tươi mới trong trạng thái bình thường mới.
Chúng ta vượt qua đại dịch một cách nhẹ nhàng hơn, theo tôi, một phần vì chúng ta có bệ đỡ về văn hóa nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng. Tôi mong lan tỏa được những thành quả tinh thần mà hội họa đem lại là tình đoàn kết, sự chia sẻ, thái độ sống tích cực, niềm lạc quan.
Tại triển lãm, Nhà sưu tập Phạm Thuý Anh đã “sắp đặt” một không gian nghệ thuật không chỉ có 18 bức tranh sen mà còn bao gồm những đồ vật mang hồn phách, tinh thần, bản sắc Việt: bàn ghế cho khách ngồi bằng tre, bên trên bày những chiếc ấm ủ nóng nước vối, những bình trà và hàng trăm bông sen tươi vừa được hái về từ đầm sen Hồ Tây cắm trong những chiếc bình nhiều kiểu dáng. Bên cạnh đó là hàng trăm búp sen hồng gói bên trong đó là những cánh trà mạn đã được sao kỹ. Khách đến thưởng lãm ai cũng trầm trồ “nghề chơi cũng lắm công phu”. Quả thật Phạm Thuý Anh là một người không làm thì thôi, đã làm thì kỹ lưỡng và đẹp đến từng chi tiết.