Ngân hàng rốt ráo phát hành trái phiếu cuối năm

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cải thiện rõ nét và nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi, hàng loạt ngân hàng công bố thành công trong việc phát hành trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng...

Trong tháng cuối cùng của năm 2024, hàng loạt ngân hàng liên tiếp công bố thành công trong việc phát hành trái phiếu, thu về hàng nghìn tỷ đồng, góp phần củng cố nguồn vốn cho các kế hoạch tài chính.

NGÂN HÀNG Ồ ẠT PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU

Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) vừa khởi động đợt phát hành trái phiếu thứ hai trong giai đoạn 2024 - 2025, với tổng số lượng 13 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 6 năm, lãi suất cố định năm đầu tiên là 8,2%/năm, từ năm thứ hai sẽ điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5%. Thời gian đăng ký từ ngày 16/12/2024 đến 6/1/2025. Ngày phát hành chính thức là ngày 6/1/2025.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng thông báo triển khai đợt phát hành trái phiếu thứ ba, kéo dài đến ngày 5/3/2025, với kỳ hạn 6 năm. Trước đó, trong năm 2024, MB đã phát hành thành công 21 lô trái phiếu với tổng giá trị 22.551 tỷ đồng, đồng thời mua lại 16 lô trái phiếu trị giá 13.203 tỷ đồng.

Không kém cạnh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông báo chào bán 40 triệu trái phiếu đợt 1 với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng. Thời gian đăng ký và nhận tiền mua trái phiếu kéo dài từ ngày 23/12/2024 đến 15/1/2025, với yêu cầu nhà đầu tư mua tối thiểu 100 trái phiếu, tương đương 10 triệu đồng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng ghi dấu với đợt phát hành lô trái phiếu riêng lẻ thứ 9, mã VIBL2431010, kỳ hạn 7 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 7,48%/năm, số lượng 2.000 trái phiếu.

Trước đó, vào đầu tháng 12, VIB đã hoàn tất đợt phát hành lô trái phiếu mã VIBL2727008 với kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 5,3%/năm, huy động thành công 2.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, VIB đã phát hành tổng cộng 9 mã trái phiếu, thu về 17.000 tỷ đồng, khẳng định vị thế trên thị trường vốn.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) là một trong những cái tên nổi bật với 3 đợt phát hành trái phiếu trong tháng. Cả 3 lô đều có kỳ hạn 3 năm, lãi suất dao động từ 5,5% đến 5,6%/năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Qua đó, OCB huy động thành công tổng cộng 3.700 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (Bac A Bank) cũng vừa hoàn tất phát hành mã BABL2427010 với giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,2%/năm và dự kiến đáo hạn vào ngày 2/12/2027.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) ghi dấu ấn với việc phát hành 250 trái phiếu, mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6,1%/năm, mang về 250 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tham gia cuộc đua với lô 180 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6,4%/năm, huy động được 180 tỷ đồng.

Không đứng ngoài xu hướng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) phát hành lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 5,6%/năm, với khối lượng 1.000 trái phiếu, thu về 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) gây chú ý với lô 500 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 6,2%/năm, huy động thành công 500 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024, các ngân hàng thương mại luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Dù chi phí vốn từ kênh trái phiếu cao hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng vẫn tích cực huy động vốn qua kênh này nhằm củng cố cơ cấu vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay vốn đang có dấu hiệu phục hồi.

Hoạt động phát hành trái phiếu càng trở nên sôi động vào cuối năm, khi thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên và nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh tăng cao theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đến 19/12, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 13,1% so với đầu năm, nhanh hơn so với năm ngoái và tiến gần mục tiêu 14-15% cho cả năm của Ngân hàng Nhà nước.

"Chúng tôi tin rằng mức tăng trưởng 14% - 15% là có thể đạt được sau tốc độ giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và nhu cầu tín dụng cao hơn của quý 4", chuyên gia MBS nhận định.

Trong khi đó, với dữ liệu thông báo mới nhất, tín dụng nền kinh tế đến 7/12 đạt khoảng 12,5%. Theo chuyên gia Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nếu giữ được xu hướng tăng tương tự tháng 12 của các năm trước, tín dụng cả năm 2024 ước tăng khoảng 16%.

LÝ DO NGÂN HÀNG RỐT RÁO PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU

Thực tế, trong đợt phát hành trái phiếu mới đây, BVBank cho biết mục tiêu của đợt phát hành là gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng, đồng thời bổ sung vốn cấp 2 theo các quy định hiện hành.

Tương tự, Vietinbank cũng cho hay, mục đích chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2024 là tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế.

Theo giới phân tích, việc huy động vốn trong giai đoạn hiện nay không khó. Mặt bằng lãi suất huy động thông thường hiện nay đã giảm về mức kỷ lục, dưới 5%/năm đối với kỳ hạn 1 năm ở nhóm ngân hàng quốc doanh và khoảng từ 5,3-5,5%/năm với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Tuy nhiên, phát hành trái phiếu thường có xu hướng nhỉnh hơn về lãi suất.

Chẳng hạn, trong 2 đợt phát hành trái phiếu thành công vừa qua của Vietinbank, lô trái phiếu mã CTGL2432016 có kỳ hạn 8 năm với khối lượng 9.200 trái phiếu, lãi suất 5,78%. Lô thứ hai có mã CTGL2439015 có kỳ hạn 15 năm, khối lượng phát hành 4.000 trái phiếu, lãi suất 6,5%/năm.

Hiện tại, Vietinbank đang huy động tiền gửi kỳ hạn trên 36 tháng với lãi suất chỉ 4,8%/năm. Như vậy, nhà đầu tư mua trái phiếu của ngân hàng này sẽ lợi hơn nhiều so với gửi tiết kiệm.

Bên cạnh đó, thông thường lãi suất huy động trên thị trường chỉ là nguồn vốn ngắn hạn, chủ yếu là dưới 9 tháng đến 1 năm. Trong khi việc huy động trái phiếu là cách mà các ngân hàng huy động nguồn vốn dài hạn. Đây là nguồn vốn ổn định để nhiều ngân hàng yên tâm quay vòng vốn cho vay để thu về lợi nhuận.

FinnRatings đánh giá rằng năm 2024 đánh dấu một giai đoạn bận rộn với thị trường trái phiếu ngân hàng so với các năm trước. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã triển khai kế hoạch tăng vốn thông qua hai kênh chính: vốn cổ phần và vốn nợ, trong đó trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò nổi bật.

"Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu", đại diện FinnRatings nhận định.

Dù phải chịu mức chi phí cao hơn khi phát hành trái phiếu, các chuyên gia cho rằng kênh huy động này mang lại lợi ích lớn trong việc cân đối tỷ trọng vốn huy động và đảm bảo an toàn vốn. Với mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định ở mức thấp, ngân hàng dễ dàng thu hút vốn qua trái phiếu để tăng vốn cấp 2, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn, nhất là trong bối cảnh quy mô tổng tài sản liên tục mở rộng.

Mặt khác, theo quy định, trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được tính vào vốn tự có sẽ bị khấu trừ khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm cuối của kỳ hạn trái phiếu. Do đó, các ngân hàng cần phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới để thay thế các trái phiếu bị khấu trừ và tăng mức an toàn vốn.

Bên cạnh việc bổ sung vốn cấp 2, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định. Bởi từ cuối năm ngoái, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thay vì 34% như trước. Đồng thời, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động cũng được yêu cầu giảm xuống dưới 85%.

Thêm nữa, việc các ngân hàng thương mại đang tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Basell II và III thế hệ mới đòi hỏi cần phải củng cố nguồn vốn an toàn trong thời gian tới.

Theo dự báo từ VIS Rating, ngành ngân hàng có thể phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới, trong đó khoảng 55% sẽ thuộc về các ngân hàng quốc doanh. Một số ngân hàng nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ 3-4% tỷ lệ an toàn vốn.

Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao. Theo dự báo của VIS Rating, top 5 ngân hàng dự kiến có quy mô phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 lớn nhất trong hệ thống lần lượt là: BIDV, VietinBank, Agribank, MB và HDBank.

Có thể bạn quan tâm