Nhưng ngày hôm qua, trên đường đi làm và xuống một số điểm vừa mới dỡ bỏ lệnh phong tỏa, mình đã phải tránh đường cho vài đám tang trong lạnh lẽo, cô đơn. Một cảm giác cực kỳ tồi tệ dâng lên trong mình. Nhưng cảm giác đó thoáng qua rất nhanh. Mình đã kịp trấn tĩnh lại!
Mình chợt nhớ những câu chuyện của bố kể về những năm tháng ác liệt ở chiến trường B, súng đạn, bom nổ, chết chóc nhưng mọi người vẫn phải vượt lên trên nỗi đau để lạc quan và chiến đấu. Năm 1974, mẹ mang thai mình, chắc lúc ấy chỉ bằng quả cam thôi bố đã nhất định dặn dò, dù con trai hay con gái, mẹ đều phải đặt tên là Hoàng Anh. Đó là tên của một cô ca sỹ của một đoàn văn công quân khu 7 xinh đẹp, quả cảm, cô đã lạc quan cất giọng hát giữa cánh rừng loang lổ cháy sau trận bom ác liệt, giọng hát khiến bố và các chiến sỹ đã bừng lên tinh thần lạc quan, lại lao vào cuộc chiến với niềm tin chiến thắng.
Mình nhớ cả những câu chuyện sinh tử khốc liệt mà bác Lộc, anh trai bố, thường kể cho bọn trẻ con vào dịp Tết mỗi khi về quê, khi bác và đồng đội đã phải trải qua những chiến trường ác liệt khắp miền Nam, dầm mình trong bùn lạnh, đói mệt chiến đấu. Đó là câu chuyện của chú Cận, chú rể của mình, một anh bộ đội cụ Hồ quả cảm, một thủ lĩnh tài ba trong đơn vị đã chiến đấu và lập được nhiều chiến công. Sau ngày miền Nam thống nhất, cô ruột mình ở quê vò võ nuôi ba con nhỏ, chú lại dẫn đoàn quân sang nước bạn Campuchia cho đến ngày kết thúc nhiệm vụ, chiến thắng trở về.
Nhiều đêm giao thừa ở quê hương, thắc mắc hỏi chú sao có thể khỏe mạnh, nguyên vẹn, chú bảo: “Ra chiến trường thì phải bình tĩnh, mưu trí, quả cảm” .
Hồi làm biên tập viên của Hà Nội Mới Cuối tuần thỉnh thoảng được uống trà ướp hoa sen với chú Phùng Huy Thịnh trưởng ban, lại được nghe chú kể về tuổi thanh xuân oanh liệt là lính chiến trường ở Quảng Trị. Có nỗi đau nào đau hơn khi ôm xác bạn giữa bom đạn xé trời, nhưng rồi cũng phải gói chặt nỗi đau lại, để tiếp tục hành quân... để tin một ngày sẽ chiến thắng!
TP Hồ Chí Minh có bi thương không? Câu trả lời là có! Chúng ta có sốc không? Có! Số ca tử vong quá nhanh và bất ngờ giữa lúc cuộc sống đang thanh bình, dự kiến số lượng tử vong chưa dừng lại! Những nỗi đau giày xé tới tận tâm can, những tiếng khóc không thể thành lời với biết bao gia đình đang bình yên. Với những người trẻ như chúng tôi, toàn thế hệ sinh sau 1975, chưa từng biết đến những mất mát của chiến tranh, thì những mất mát này thật khó vượt qua. Như tiếng khóc xé lòng của một đồng nghiệp ở tuổi 8x, khi bố bạn mới ra đi... Như tin báo đến quặn thắt, vào sáng nay, về một người quen, là một doanh nhân có tâm, có tài anh cũng vừa ra đi ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi vì diễn biến bệnh tình quá nhanh, quá bất ngờ. Đau, sốc!
Nhưng chúng ta có sợ hãi không? Không! Bởi sợ hãi sẽ làm cho chúng ta gục ngã!
Tôi nói với người bạn phóng viên ấy rằng, em còn mẹ và anh trai ở trong bệnh viện cần tiếp sức, hãy xem con con vi rút quái ác kia là một kẻ thù, cần tập trung mọi sự can đảm, lòng dũng cảm, sự tự tin để tiêu diệt nó!
Buổi chiều nhận được thông tin có gia đình của một cậu bạn ở Quận 4, nơi mà mình có gửi thực phẩm từ thiện vào tận xóm, nhà cậu ta cả 5 thành viên đều là F0, cả ngõ có tới 70 F0. Vui mừng thay khi mẹ và em trai của bạn ấy ở Bệnh viện dã chiến chuẩn bị được xuất viện sau 12 ngày chiến đấu với Côvid. Hai vợ chồng bạn ấy và đứa con do cách đây 2 tuần, TP còn thiếu giường bệnh, nên tự ở nhà chiến đấu, giờ cũng đã khỏi bệnh.
Gọi điện hỏi thăm một người quen khác ở quận 12 là F0, chị cũng cười được rồi. Chị ấy bị sốt và họng đau, đau như có một nghìn con vi rút bò trong họng và ngực xâu xé, cách đây 2 tuần, việc gọi xe cấp cứu là rất khó khăn. Nằm bẹp trên giường, rồi chị nghĩ cũng phải sống, còn con nhỏ ở Hà Nội. Chị cố gắng buộc một cái khăn quàng cổ lên song cửa sổ, rồi mỗi sáng với tay đu lên để ngồi dậy. Ban đầu cứ ngồi dậy lại nằm phịch xuống bất lực, và bị chìm vào đau đớn, chìm vào biển sâu mê man. Nghĩ đến việc phổi sẽ đông đặc, và khó thở dẫn đến tắt thở, chị lại đu tay lên chiếc khăn.
Một mình một nhà, chả trông cậy được vào ai, không may lại thành may, bởi chỉ có cách lết dậy, tự thân đổ nước sôi vào cháo ăn liền, tự bò dậy uống sữa và uống hạ sốt thì mới không rơi vào tình trạng nằm mê man trên giường. Chị bảo con cô-vy làm mình thất điên bát đảo, chiến thắng nó thì cần phải rất tĩnh trí và niềm tin bất diệt rằng mình sẽ không thua nó. Cố bò ra khỏi giường, tĩnh trí uống thuốc, tĩnh trí ăn cháo, uống sữa, cứ thế mà 5 ngày sau đỡ dần, sau 8 ngày thì khỏi. Tôi nói chị thật thông minh và quả cảm!
Lòng dũng cảm được xếp đầu bảng những phẩm chất cao quý của con người, bởi khi có sự can đảm, và lòng dũng cảm cộng thêm cái đầu thông tin mình thì người ta dễ dàng vượt qua biến cố.
Trong cuộc sống, chúng ta có ba kẻ thù cần tiêu diệt: do dự, thiếu niềm tin và sợ hãi. Và để không sợ hãi thì mỗi người hãy lập kế hoạch cho bản thân, cho gia đình mình chuẩn bị những gì tốt nhất có thể để chiến đấu với con vi rút! Cẩn thận phòng tránh lây nhiễm, không chủ quan, nhưng cần Chủ động!
Chia sẻ của nhà báo Hoàng Anh