Nhật ký chống dịch Covid-19: Nhân nghĩa vượt qua mọi giới hạn

Sáng nay (2/8), Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh chính thức phát động cuộc thi thơ: “Nhân nghĩa đất phương Nam”.
Buổi trao tặng phẩm (10 phần quà tặng có giá trị từ Quỹ Tình Thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi) cho tác giả có bài thơ hay do trang web “Văn chương Phương Nam” tổ chức, hưởng ứng ngày thơ Nguyên Tiêu năm nay
Buổi trao tặng phẩm (10 phần quà tặng có giá trị từ Quỹ Tình Thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi) cho tác giả có bài thơ hay do trang web “Văn chương Phương Nam” tổ chức, hưởng ứng ngày thơ Nguyên Tiêu năm nay

Để chọn tên cho cuộc thi thơ mà lần đầu tiên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức, do thực hiện giãn cách y tế, nên Ban chấp hành Hội không thể tổ chức buổi họp bàn bạc trực tiếp mà tổ chức cuộc họp online. Sau nhiều tranh luận (kể cả tranh cãi), chúng tôi chọn tên “Nhân nghĩa đất phương Nam”.

Chúng tôi chọn cụm từ ĐẤT PHƯƠNG NAM bởi, Sài Gòn xưa và TP. Hồ Chí Minh nay là đô thị lớn nhất phương Nam kể từ 323 năm qua. Nói đến phương Nam người ta nghĩ ngay đến Sài Gòn xưa và TP. HCM nay. Và không chỉ có vậy, ĐẤT PHƯƠNG NAM còn là cả vùng đất phương Nam, ranh giới địa lý được mở rộng và độ phủ sóng về tinh thần, tinh cảm cũng không bị giới hạn.

"Nhân nghĩa" - không chỉ là lòng yêu thương, là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người và giữa con người với cộng đồng. “Nhân nghĩa” còn hiện thân truyền thống, không chỉ là vẻ đẹp cao cả mà còn là biểu tượng của sức mạnh để chiến thắng (thắng kẻ thù xâm lược, thắng thiên tai và hiện nay là quyết thắng đại dịch dù đang phải trả cái giá quá đắt).

"Nhân nghĩa" còn bao hàm cả dũng khí và nghĩa khí. Đất phương Nam không thể thiếu hào sảng, bao dung, nhường nhịn, chở che…

"Nhân nghĩa" còn là giá trị cao quý “uống nước nhớ nguồn”, biết ghi ơn và tri ơn, thứ giá trị bất biến trong dòng đời vạn biến.

"Nhân nghĩa"- còn là yếu tố quyết định để “an dân” mà Ức Trai đã tiếp nối truyền thống ngàn đời trong hành trình dựng nước và giữ nước của nhân loại. "Nhân nghĩa" vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để đạt được mục tiêu an dân. Và “an dân” trong mọi biến thiên thời cuộc và lòng người, luôn là một đòi hỏi sống còn.

Như bất kỳ cuộc thi văn chương nào, Ban tổ chức Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất nước phương Nam” cũng có quy định và những giới hạn về số lượng, dung lượng bài dự thi, giới hạn về đề tài, về thời gian… nhưng "nhân nghĩa" là giá trị vượt qua mọi giới hạn.

Trước khi Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” được phát động, trong một cuộc họp online với Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi có báo với các nhà văn biết về cuộc thi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, gõ ngay dòng chữ: “Cuộc thi tình người!”. Anh viết tiếp: “Cá nhân tôi sẽ ủng hộ một chút tài chính cho cuộc thi đặc biệt này. Tôi muốn chia sẻ với Bích Ngân và BCH Hội Nhà văn TP”.

Thay mặt Hội Nhà văn TP. HCM tôi cảm ơn sự chia sẻ và khích lệ từ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và mong nhà thơ có mặt trong buổi trao giải Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất nước phương Nam” dự định tổ chức vào giữa tháng 12 năm nay.

Cuộc thi thơ “NHÂN NGHĨA ĐẤT PHƯƠNG NAM” đã chính thức phát động

Thời gian nhận bài dự thi từ ngày phát động cho tới ngày 15/9/2021. 40 bài thơ vào vòng chung khảo và 20 bài thơ hay hưởng ứng cuộc thi (không tham gia xét giải) sẽ in thành một tập thơ, ra mắt vào dịp công bố và trao giải. Tồng giá trị giải thưởng của cuộc thi thơ là 54 triệu đồng với 11 giải thưởng (giải nhất 10 triệu đồng).

Ban tổ chức Cuộc thi thơ rất mong đón nhận nhiều thơ tham gia cuộc thi từ đồng nghiệp, từ những người làm thơ trên mọi miền đất nước, kể cả kiều bào Việt Nam hiện đang sinh sống ở nhiều quốc gia.

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh

Có thể bạn quan tâm