Nỗi buồn của những cổ phiếu tài chính chào sàn HOSE: Áp lực bán tại VPBank và phiên giảm sàn của VNDIRECT

Cùng giai đoạn này, một số cổ phiếu ngành tài chính như VND của CTCK VNDIRECT, VCI của CTCK Bản Việt, VDS của CTCK Rồng Việt cũng chào sàn HOSE trong tình trạng kém vui vẻ.
Nỗi buồn của những cổ phiếu tài chính chào sàn HOSE: Áp lực bán tại VPBank và phiên giảm sàn của VNDIRECT

Ngày 17/08/2017, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chào sàn HOSE với giá tham chiếu 39.000 đồng/cp. Trái với kịch bản “lên sàn tăng trần” thường diễn ra với những cổ phiếu có tên tuổi trước đây, VPB đã giảm mạnh trong phần lớn thời gian nhưng hồi phục về cuối phiên và không phải kết thúc ngày đầu tiên trong sắc đỏ. Tuy nhiên, các phiên giao dịch sau đó, VPB chưa có diễn biến tích cực hơn và vẫn đang biến động quanh giá 36.000 đồng – thấp hơn 3.000 đồng so với giá chào sàn.

Cùng giai đoạn này, một số cổ phiếu ngành tài chính như VND của CTCK VNDIRECT, VCI của CTCK Bản Việt, VDS của CTCK Rồng Việt cũng chào sàn HOSE trong tình trạng kém vui vẻ.

VND chuyển sang HOSE từ ngày 18/08/2017 sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội những tháng đầu năm. Giá tham chiếu ngày đầu tiên là 23.900 đồng với biên độ giao động +/-20%. Ngay ngày chuyển sàn, VND giảm 6% và liên tục giảm trong các phiên tiếp đó, đáng kể còn giảm sàn trong phiên 22/08.

VDS của CTCK Rồng Việt chuyển sàn từ ngày 19/07/2017 nhưng tương tự, VDS ngay lập tức giảm giá và hiện giờ đang về quanh mệnh giá.

Khá khẩm hơn là VCI của CTCK Bản Việt vì cổ phiếu này giữ giá khá tốt. Chào sàn với giá 48.000 đồng và cũng trải qua một số biến động nhưng VCI đều đóng cửa tại giá 60.000 đồng trong suốt nhiều phiên qua.

Việc thị trường rơi vào vùng trũng thông tin và có xu hướng đi xuống là một yếu tố khiến các cổ phiếu tài chính “ngã” khi chào sàn. Nhưng bên cạnh đó, các cổ phiếu này cũng gặp những áp lực riêng.

Chưa nói đến đánh giá của nhà đầu tư về con số lợi nhuận và tỷ lệ nợ xấu của VPBank hay sự cân nhắc giữa rủi ro và lợi nhuận từ FE Credit thì về mặt cung – cầu cổ phiếu, việc VPB chịu áp lực bán mạnh khi lên sàn không phải là điều khó dự báo. VPB có tỷ lệ trôi nổi khá cao và đã gây sốt trên OTC trước đó với việc tăng giá nhanh chóng mặt từ mệnh giá lên đến 35.000 đồng, thậm chí có nhà đầu tư chấp nhận mua với giá 40.000 đồng. Tình trạng này giống như PLX của Petrolimex – một cổ phiếu có quá trình tăng giá mạnh mẽ từ lúc còn ở thị trường OTC, khi lên sàn cũng gặp áp lực chốt lời rất mạnh.

Bên cạnh đó, VPB không có lực đỡ từ khối ngoại trong các phiên sau, khi ngay trong phiên đầu tiên, khối ngoại đã mua 37 triệu cổ phiếu VPB và làm kín room của cổ phiếu này.

Về phía các cổ phiếu ngành chứng khoán như VCI, VND hay VDS, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán đã giúp cho lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ và tương ứng, cổ phiếu cũng tăng trưởng ấn tượng. Nhưng vào giai đoạn quý 3, diễn biến thị trường kém tích cực hơn quý trước có thể khiến cho nhóm doanh nghiệp này đạt kết quả kém hơn, đặc biệt là khoản lợi nhuận khi đánh giá lại giá trị danh mục đầu tư (theo Thông tư 334).

Ngoài ra, “game” chuyển sàn – như cách nhà đầu tư vẫn gọi – đã kết thúc, điều đó tạo ra động lực bán đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.

Không những thế, ngay khi chuyển sàn, CTCK VNDIRECT quyết định bán 6 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số hơn 10 triệu cổ phiếu quỹ đang giữ. Trước những áp lực này, cổ phiếu VND đã giảm mạnh.

Theo Hải Thanh/ Trí Thức Trẻ

>> Tin nội gián, tin đồn và tin tức "ai cũng biết" - chúng ảnh hưởng đến dòng tiền trên TTCK như thế nào?

Có thể bạn quan tâm