Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán một đằng nhưng căn hộ bàn giao lại một nẻo thì khách hàng khiếu nại đã đành. Ngược lại, có trường hợp, chủ đầu tư điều chỉnh tốt hơn so với điều kiện ghi trong hợp đồng, người mua nhà cũng không chấp nhận.
Cứ thay đổi là bị phản ứng
Cuối năm 2019, một chủ đầu tư khi bàn giao căn hộ tại Dĩ An, Bình Dương đã ghi nhận ý kiến của nhà thầu thi công và chủ động thay đổi loại cửa sổ khác, chất lượng hơn để đảm bảo kỹ thuật. Loại cửa trong hợp đồng là cửa lùa và hệ kính mỏng. Tuy nhiên, khi được khuyến nghị cần giảm thiểu tiếng ồn do gió rít, giảm hiện tượng rung lắc (điều vẫn hay gặp ở cửa lùa khi gió lớn), chủ đầu tư đã tăng độ dày của kính và khung nhôm đồng thời thay đổi thành loại cửa một cánh lùa và một cánh cố định theo đề xuất của đơn vị tư vấn.
Song thiện ý của chủ đầu tư lại không được người mua nhà thấu hiểu. Một số người dân khi nhận nhà thấy thay đổi ban đầu không cần nghe giải thích đã phản ứng gắt gao đòi hỏi phải trả lại cửa cũ. Sau cùng, để “sóng yên biển lặng”, chủ đầu tư phải xin lỗi cư dân và mong được chấp thuận.
Trong khi đó, tại Bình Chánh (TP.HCM), một dự án được chủ đầu tư nâng chiều rộng hành lang theo tiêu chuẩn từ 1.4m lên 1.6m vẫn bị khách hàng cho rằng chật hẹp và yêu cầu tăng chiều rộng của hành lang thêm.
Chủ đầu tư dự án này cho biết thực tế tiêu chuẩn quy định hành lang căn hộ hạng C chỉ khoảng 1.2 – 1.4m. Tuy nhiên, để thuận tiện và thông thoáng hơn cho cuộc sống của người dân sau này, chủ đầu tư đã cố gắng quy hoạch hành lang rộng hơn, nâng lên trên tiêu chuẩn nhưng vẫn bị đòi hỏi thêm.
“Vẫn biết để bỏ tiền mua căn hộ với nhu cầu đầu tư sở hữu hoặc ở thực với tâm lý đồng tiền liền khúc ruột, người mua đặt hết kỳ vọng vào công trình. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đôi lúc cố gắng hết mức, chúng tôi cũng không thể làm hài lòng tất cả khách hàng”, vị đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Người mua nhà phản ứng tiêu cực
Để phản ứng chủ đầu tư, mỗi người mua nhà có cách khác nhau. Có người nắm bắt thông tin, hiểu chuyện nên dù không vui nhưng cũng chấp nhận và thông cảm với chủ đầu tư. Cũng có người phản ứng bằng cách nhờ chính quyền can thiệp. Nhưng có lẽ, cách phản ứng “phổ biến” gần đây là treo băng rôn và đăng thông tin lên mạng xã hội mà trong nhiều trường hợp, chính họ cũng bị cuốn vào đó một cách thái quá.
Đối với dự án tại Bình Dương kể trên, người dân đã thả băng rôn dọc các cửa sổ căn hộ để phản đối chủ đầu tư thay đổi cửa sổ. Trong khi đó, người dân tại dự án ở Bình Chánh vừa nêu lại chọn phương án đăng tin trong group và kêu gọi mọi người kéo lên chủ đầu tư để yêu cầu, đòi hỏi.
Thậm chí có dự án, nhiều khách hàng đã vận động cư dân trong khu nhà cùng đóng góp quỹ để in áo, in băng rôn, mua loa rồi kêu gọi, kích động nhiều người khác không nắm rõ thông tin cùng tụ tập kéo đến văn phòng chủ đầu tư, đứng ngã ba đường hay thậm chí kéo đến các cơ quan công quyền để phản đối đến mức quá khích.
“Đa phần người dân không thỏa mãn với các phản hồi của chủ đầu tư thường bị kích động bởi một số khách hàng có chủ đích riêng khiến cho sự việc đi quá xa. Thậm chí, nhiều người chỉ vì bức xúc nhỏ lại lập những nhóm (group), hội trên mạng xã hội rồi phóng đại thông tin, kích động nhiều người và khiến cho họ hiểu sai sự việc. Điều này đã làm uy tín và hình ảnh của chủ đầu tư bị ảnh hưởng không nhỏ”, một chủ đầu tư nói.
Biến mạng xã hội thành những công cụ để phản đối mọi chính sách, quy định không mong muốn đã và đang xảy ra đối với nhiều “cư dân mạng” và cũng đang là “vũ khí” được khách hàng dùng để đối phó các chủ đầu tư. Điều đáng nói là thông tin trên các trang mạng đa phần đều mang tính thiên lệch, thiếu khách quan và cố ý làm hiểu sai vấn đề khiến không ít doanh nghiệp trước khi chờ được “hạ hồi phân giải” đã bị ảnh hưởng nặng hoặc phải chật vật đối phó khủng hoảng truyền thông.
Một luật sư cho biết việc người dân sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai lệch, kích động hay tụ tập, gây quỹ, in băng rôn phản kháng nếu không kiểm soát tốt sẽ dễ vi phạm pháp luật và tạo điều kiện cho các đối tượng xấu trục lợi, gây rối.
Do đó, vị này khuyên người dân nếu cảm thấy không hài lòng có thể kiến nghị và đối thoại với chủ đầu tư. Trường hợp vẫn không thỏa đáng, người mua nhà có thể nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương hoặc tòa án để đảm bảo quyền lợi. Tránh mọi trường hợp nghe theo các thành phần quá khích, các đối tượng kêu gọi tham gia các hội, nhóm để phản đối, gây rối trật tự công cộng để không vi phạm pháp luật.