Ô tô điện “kéo” cổ phiếu TMT tăng trần

Ngay sau khi TMT Motors xuất xưởng chiếc ô tô điện mini đầu tiên của Việt Nam, cổ phiếu TMT đã có những phản ứng tích cực.
Ô tô điện “kéo” cổ phiếu TMT tăng trần

Trong phiên giao dịch sáng ngày 26/5, cổ phiếu TMT của Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) ghi nhận mức giá trần 21.600 đồng/cổ phiếu, dư mua 120.800 đơn vị và trắng bên bán.

Trước đó, phiên giao dịch ngày 25/5, TMT cũng chạm ngưỡng trần khi tăng 6,88% từ mức giá 18.900 đồng/cổ phiếu lên 20.200 đồng/cổ phiếu, thanh khoản ghi nhận 55.400 đơn vị, gấp hơn 3 lần so với thanh khoản trung bình của 10 phiên gần nhất.

Đà tăng đáng kể của cổ phiếu TMT này được cho là phản ứng tích cực sau thông tin ngày 24/5 vừa qua, chiếc ô tô điện mini đầu tiên của Việt Nam đã được xuất xưởng tại nhà máy xe điện của TMT Motors ở Hưng Yên.

Hồi tháng 1/2023, TMT Motors ký hợp tác chiến lược với liên doanh GM (Mỹ), trong đó liên doanh GM cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.

Chiếc ô tô điện mini mà TMT Motor xuất xưởng là mẫu Wuling HongGuang MiniEV, mẫu xe điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới các năm 2020, 2021, 2022 theo thống kê của JATO Dynamics, công ty chuyên nghiên cứu, phân tích ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

cổ phiếu TMT
Cổ phiếu TMT của TMT Motors tăng trần trong phiên giao dịch ngày 26/5

Phía TMT Motors cho biết nhà máy ô tô điện này được đặt tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất sản xuất, lắp ráp giai đoạn 1 là 30.000 xe/năm và giai đoạn 2 là 60.000 xe/năm. Dự kiến ô tô điện Wuling HongGuang MiniEV sẽ chính thức ra mắt và nhận đặt hàng trong quý II/2023.

TMT Motors tiền thân là công ty Vật tư thiết bị Cơ khí Giao thông Vận tải thuộc Cục cơ khí – Bộ Giao thông Vận tải, thành lập từ 27/10/1976. Đến ngày 14/04/2006, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 870/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án và chuyển mô hình hoạt đông của công ty thành Công ty cổ phần.

Vốn điều lệ của TMT Motors ở thời điểm cuối quý 1/2023 là 372,8 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch công ty đang là cổ đông lớn nhất khi nắm 33% vốn góp. Ông Bùi Quốc Công, em trai ông Hữu, Phó Chủ tịch công ty là cổ đông lớn thứ hai khi sở hữu 10,41% vốn điều lệ TMT Motors.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 1/2023, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt 709,6 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng, giảm 92,3% so.

Doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp có vẻ như là “truyền thống” của TMT Motors. Trước đó, kết thúc năm 2022, doanh thu của công ty đạt 3.043 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 48,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,6% và 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong văn bản giải trình, TMT cho biết doanh thu của công ty sụt giảm đáng kể chủ yếu là do nhu cầu của thị trường giảm và các chính sách ưu đãi thúc đẩy bán hàng. Cùng với đó, khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn bởi nhiều ngân hàng tiến hành siết chặt tín dụng dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh.

Năm 2023, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu 4.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 77,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 57% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy sau 3 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 15% kế hoạch doanh thu và 2,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 2.796 tỷ đồng, giảm 20,3% so với số đầu năm. Chiếm gần 70% tài sản của doanh nghiệp này là hàng tồn kho ở mức 1.937 tỷ đồng, giảm 21%. Nợ vay tài chính ở mức 1.352 tỷ đồng, gấp ba lần vốn chủ sở hữu.

Có thể bạn quan tâm