Hỏi thì anh ấy nói: Vì yêu Việt Nam, yêu Hà Nội, muốn làm cho Hà Nội sạch và đẹp hơn. Người Hà Nội nghe xong mà “ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt phải bên phải” quá chừng!
Có một lần tại thành phố Nha Trang, tôi trò chuyện với một người Nga sang Việt Nam du lịch.
Sau một hồi nghe tôi say sưa kể về phong cảnh đẹp ngất ngây hồn người của quê hương mình, bạn ấy buông một câu “Công nhận Việt Nam nhiều cảnh đẹp, nhiều chỗ chơi… Mỗi tội đường phố đầy rác”. Tôi đơ người, không nói được câu nào.
Khỏi cần dẫn chứng về rác thải trên các con phố, điểm du lịch ở Thủ đô. Báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực về vấn đề này. Hiện thực cũng phơi bày hết thảy… Thông tin đang hot, đó là người nước ngoài – từ Nhật, từ Mỹ sang Việt Nam, đến Hà Nội… dọn rác.
Ngày nọ không xa, giữa trời mưa gió rét trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cạnh hồ Gươm, có hai người Nhật đã luống tuổi cặm cụi nhặt rác, cho vào túi giấy. Người người đi qua nhìn thấy họ, có tò mò một tý, ngạc nhiên một tý… nhưng vì bận rộn, vì mưa rét, họ tiếp tục đi ngang qua như chuyện đó giống như chuyện của… thời tiết.
Mặc! Hai con người đầy lòng tự trọng kia vẫn cần mẫn dọn rác, chắc họ hy vọng những hành động của họ có thể làm lay động tâm hồn người Hà Nội, để họ tự ý thức về vệ sinh môi trường thành phố mình. Cao hơn nữa, việc làm này có tác dụng hơn là thay vì đối đầu, nhắc nhở thì có thể vạ sẽ bay vào thân như không ít trường hợp đã xảy ra ở thành phố xinh đẹp này?!
Đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy (Hà Nội), nơi James Joseph Kendall và 3 người bạn đến từ Mỹ “nổi hứng” lội xuống kênh thối dọn rác, ngày ngày mặt trời vẫn luôn chiếu sáng, người người bịt bùng, chen lấn để nhanhthoát khỏi đây… Thế mà mấy anh tây “dở hơi” lại lấy đoạn kênh thối làm mục tiêu volunteer, trong hành trình khám phá Hà Nội của mình. Nhờ có smarphone và facebook, hành động kỳ lạ của họ đã được lan tỏa trên mạng.
Cơn sốt “ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải” bỗng chốc lây lan. Các bạn trẻ luôn là người nhanh chân nhanh tay nhất, sẵn sàng lội xuống kênh thối để dọn rác cùng 4 vị khách “dở hơi” kia. Chính quyền phường cũng “ngứa mắt” vì lòng tự trọng bị xúc phạm… nhưng thay vì tham gia dọn rác, họ lại quay ra lục vấn… giấy phép dọn vệ sinh. Mấy chàng tây cứ gọi là cứng… đơ người!
Hình ảnh khiến nhiều người Việt phải đỏ mặt: James dọn rác mương thối với 1 bên chân đau.
Sau lần gây sốt trên mạng vì dọn kênh thối, James Joseph Kendall đã thành lập được nhóm Keep Hanoi Clean (giữ sạch Hà Nội) với sự tham gia của hàng ngàn bạn trẻ, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Họ không đi làm trong ngày cuối tuần mà dành thời gian dọn rác trên phố cổ, nơi các hàng quán, hàng rong, khách bộ hành vô tư xả rác – nhất là sau ngày lễ hội. Những video khoe chiến tích dọn rác được tung lên mạng khiến các facebooker thích thú và kéo theo nhiều bạn trẻ vào nhóm Keep Hanoi Clean của James.
Một “người Mỹ thầm lặng” khác là ông Paul George Harding (68 tuổi) - cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam – cũng đến Hà Nội, tìm việc gì đó để “xoa dịu nỗi đau quá khứ”. Ông tình nguyện viên dạy tiếng Anh (miễn phí) cho trẻ em Hà Nội. Và rồi cũng bị “ngứa con mắt” trước những bức tường bị bôi bẩn bởi quảng cáo, rao vặt… ông và nhóm bạn trẻ Hà Nội đã cần mẫn loại bỏ những tờ rơi, dòng chữ quảng cáo vẽ trên tường, trả lại vẻ sạch, đẹp cho chúng.
Thông tin về người nước ngoài sang Việt Nam tình nguyện làm vệ sinh cứ lan dần trên mạng xã hội… Dần dà, những nhóm tình nguyện sang Việt Nam dọn rác cứ nhiều lên. Người ta gặp họ ở nhiều địa điểm du lịch. Anh Thomas E. Kim cùng nhóm tình nguyện viên Hàn Quốc tham gia dọn rác trên bãi biển Quy Nhơn; Anh Dominic Fairt cùng nhóm bạn gồm 13 người từ Canada chung tay dọn vệ sinh làm đẹp cảnh quan ở Phong Nha, Kẻ Bàng; Nhân viên các đại sứ quán ở Hà Nội cũng thường xuyên tham gia vào các nhóm tình nguyện dọn rác thải trên khắp thành phố… Nói về vấn đề môi trường ở Việt Nam, ông Ted Osius - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định “Mọi người đều muốn nước ởsông, hồ và biển ở Việt Nam sạch, vì đó là nguồn nuôi dưỡng cá. Tất cả mọi người đều muốn có nước an toàn dùng cho sinh hoạt”.
Thực ra, lâu nay vẫn có một số nhóm bạn trẻ Việt Nam tình nguyện dọn rác tại các địa phương. Tuy nhiên, những việc làm của họ chỉ như muối bỏ bể vì họ dọn sạch phía trước thì dân xả rác phía sau. Chỉ đến khi có người nước ngoài trực tiếp dọn rác, kiểu “khách đến nhà chơi, thấy nhà chủ bẩn quá thì dọn vệ sinh hộ…”, các chủ nhà mới thấy “mình có cái gì đó sai sai?!”.
″Đúng là có cái gì đó sai sai thật! Giáo dục gia đình (trong vấn đề vệ sinh môi trường) hình như đang là con tôm lộn ngược.
Ông bà, bố mẹ dạy con cháu điều hay lẽ phải, nhưng đối tượng vô tư xả rác nhất lại không phải trẻ em. Trong lúc tôi đang gõ bài này, đội Cảnh sát kinh tế và Môi trường Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vừa bắt quả tang tài xế Nguyễn Ngọc Sơn chở theo 2,1 tấn rác thải công nghiệp (gồm bao ni lông, phế liệu da may bóng đá...) đến đổ vào nhà xưởng của ông Nguyễn Khắc Tuấn. Sơn khai nhận số rác thải trên là của một công ty chuyển sản xuất đồ thể thao trên địa bàn huyện Trảng Bom, được Sơn chở về khu xưởng này. Hóa ra đã mấy tháng nay, mỗi ngày Sơn mang rác đến đổ vào xưởng của ông Nguyễn Khắc Tuấn từ 1 đến 2 chuyến. Tính ra, cả trăm tấn rác thải đã bị đổ vào xưởng này vì gia chủ sau 5 tháng mua lại xưởng củachủ cũ, chưa kịp triển khai hoạt động sản xuất tại đây.
Paul George Harding - Ông Tây làm sạch tường
Mang cả trăm tấn rác đổ vào nhà người khác? Chuyện khó tin đó vẫn tồn tại như một vấn đề cực kỳ nhức nhối. Phía trước nhà tôi (đường Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội) có một ngôi nhà 4 tầng đóng chặt cửa, không có người ở (vì vợ chồng giận nhau, mỗi người dạt đi mỗi nơi). Thời gian sau, hàng xóm phát hiện ra, cánh cửa chính đã bị phá và lấy cắp, rác đã bị đổ ngập cả tầng 1… Chủ nhà phải thuê cả chục chuyến xe chở rác đi. Ngôi nhà được bán nhanh chóng với giá rẻ mạt vì chủ nhà sợ không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo. Chưa hết. Gần đó có một khu đất đã được quây tường bao xung quanh. Trong lúc gia chủ chờ giấy phép xây dựng, những người hàng xóm thân mến đã hè nhau “một hai ba” để khênh và ném những bao rác, đồ gia dụng bị thải loại qua bức tường bao, trong đó có những đồ nặng như bồn cầu, bồn rửa mặt vàbàn ghế hỏng… Thoáng cái, khu đất bị biến thành một bãi rác khổng lồ, nơi trú ẩn tuyệt vời của chuột bọ, ruồi muỗi. Mùi hôi thối bay khắp khu dân cư, vào cả bữa ăn của những người tống rác sang nhà hàng xóm… Thế là “Gậy ông đập lưng ông?”, thật “thông minh” quá! Về phía khổ chủ, ước tính họ sẽ phải chi vài chục triệu để dọn đống rác trời ơi đất hỡi bay vào đất nhà mình.
Ngày ngày chúng ta vẫn nghe thông tin về các doanh nghiệp xả thải trộm ra môi trường, gây ra tình trạng sông, biển chết dần chết mòn, tôm cá nhiễm độc; Họ bị công an bắt quả tang nhưng tiền phạt cho vi phạm chỉ như “muỗi đốt gỗ”, gây bất bình trong dân chúng.
May mà có giới trẻ băng băng tiến về phía trước. Không chỉ đấu tranh với những hành vi phá hủy môi trường, nhiều em còn là tác giả của những đề tài sản xuất vật dụng gần gũi thiên nhiên như đồ làm sạch từ cây cỏ, quả tự nhiên, ống hút từ cỏ, ống tre, gói thực phẩm bằng lá chuối, lá sen, hạn chế dùng túi nilon, phân loại rác thải...
James Joseph Kendall cũng phải thừa nhận rằng, việc khuyến khích người dân giữ sạch môi trường đô thị phải được bắt đầu từ trẻ em. Những đứa trẻ đang tiếp nhận tư tưởng mới, kiến thức mới về môi trường, người trẻ tuổi nhiệt huyết chung tay làm sạch đường phố, hồ nước và những con sông, kênh rạch… “Ánh sáng” đã và đang dần len lỏi vào các gia đình, tạo nên một sứcmạnh ngầm, làm “tan băng” những tư tưởng cố hữu và có phần thiển cận.
Hơn trăm năm trước, khi màn đêm phong kiến được vén lên, không phủ nhận là tây đã dạy dân ta rất nhiều kiến thức, ở mọi lĩnh vực… Nhưng ngày nay, Việt Nam đã hội nhập cùng thế giới, kinh tế - xã hội phát triển, người Việt giờ cũng đi khắp bốn phương trời... Để tây dạy ta dọn rác do chính mình thải ra, không chỉ “ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải” nữa, mà là nhục lắm. Nhục như con trùng trục!
Mở cửa hội nhập không phải để tây phát động phong trào sang nhà ta dọn rác. Nhé.