Phán quyết thương mại bị đình chỉ, chính quyền Trump có thêm thời gian phản công

Tòa phúc thẩm liên bang khu vực Washington đã chấp thuận yêu cầu của chính quyền Donald Trump trong việc tạm hoãn thi hành phán quyết bác bỏ chính sách thuế quan đối ứng…

Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực Washington mới đây đã ra quyết định tạm đình chỉ phán quyết của tòa cấp dưới về việc bác bỏ chính sách thuế quan đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành ngày 2/4.

Trước đó, chính quyền Trump đã thông báo với Tòa phúc thẩm Liên bang chuyên trách về các vụ việc thương mại rằng họ sẽ tìm kiếm biện pháp khẩn cấp từ Tòa án Tối cao ngay trong ngày 20/5, nếu phán quyết về thuế không sớm được tạm hoãn.

Trong văn bản thông báo, Toà phúc thẩm Liên bang cho biết phán quyết mà Tòa án Thương mại Quốc tế khu vực Manhattan (CIT) đưa ra vào đêm 28/5 vừa qua sẽ tạm ngưng cho đến khi có thông báo tiếp theo sau khi tòa xem xét các hồ sơ kiến nghị.

Quyết định này trao cho chính quyền Trump thêm thời gian chuẩn bị để phản bác lại phán quyết của CIT.

Bên cạnh đó, các quan chức Nhà Trắng khẳng định họ vẫn có nhiều lựa chọn khác để áp thuế, ngay cả khi không giành chiến thắng trong vụ kiện lần này. “Ngay cả khi thua kiện, chúng tôi sẽ làm theo cách khác”, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phát biểu với báo giới.

Tòa phúc thẩm đã cho các nguyên đơn, bao gồm một nhóm tổng chưởng lý bang cùng một số doanh nghiệp trong nước, thời hạn một tuần để phản hồi đề nghị tạm hoãn của toà. Trong khi đó, chính quyền Donald Trump sẽ có đến ngày 9/6 để nộp văn bản phản hồi lại lập luận của bên nguyên.

“Chúng tôi tin tưởng rằng Tòa phúc thẩm Liên bang sẽ sớm bác bỏ yêu cầu của chính quyền Donald Trump khi nhận thấy mức độ tổn hại nghiêm trọng mà chính sách thuế quan đối ứng gây ra cho thân chủ của chúng tôi”, luật sư Jeffrey Schwab, đại diện nhóm nguyên đơn doanh nghiệp, nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Vào tối 28/5, một hội đồng gồm ba thẩm phán tại Toà án Thương mại Quốc tế, trong đó có một người được ông Trump bổ nhiệm, đã đưa ra sách lệnh vô hiệu hóa toàn bộ các loại thuế đối ứng và khoản thu khác có liên quan do Tổng thống Donald Trump ban hành ngày 2/4. Họ lý giải rằng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) mà ông Trump viện dẫn để áp thuế quan, không trao cho tổng thống quyền đơn phương ban hành các loại thuế diện rộng như vậy.

Phán quyết này cũng ngăn cản chính quyền thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào trong tương lai đối với các mức thuế liên quan. CIT cho chính quyền 10 ngày để thực thi các yêu cầu trong bản án.

Ngay sau khi phán quyết được công bố, chính quyền Donald Trump đã nộp thông báo kháng cáo và đề nghị CIT tạm hoãn thi hành bản án trong thời gian chờ xét xử, đồng thời yêu cầu Tòa phúc thẩm Liên bang cho phép các biện pháp cứu trợ tạm thời.

“Chúng tôi kêu gọi Tòa án Tối cao chấm dứt điều này. Hành động của các thẩm phán CIT đang đe doạ tới uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế”, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt phát biểu.

Trước đó, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cũng lên tiếng phủ nhận các lo ngại về phán quyết của CIT và tin rằng chính phủ sẽ kháng cáo thành công. Hơn nữa, ông Hassett cũng tin rằng những trở ngại pháp lý này sẽ không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Kevin Hassett hé lộ thêm rằng hiện có 3 thỏa thuận thương mại đang sẵn sàng để trình lên Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông không nói rõ quốc gia nào mà chỉ nhấn mạnh thêm sẽ có thêm nhiều quốc gia mở cửa thị trường với hàng hoá Mỹ trong 1-2 tháng tới.

Vào ngày 10/5 vừa qua, Mỹ và Vương quốc Anh đã đạt được một thoả thuận thương mại song phương, cũng là thoả thuận đầu tiên kể từ khi Mỹ áp thuế đối ứng. Theo Reuters, thỏa thuận Anh - Mỹ sẽ tập trung vào việc giảm thuế và mở rộng quyền tiếp cận thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ô tô và thép.

Hiện tại, Mỹ và Liên Minh Châu Âu (EU) cũng đang đẩy mạnh đối thoại để sớm đạt được tiếng nói chung và tránh một cuộc xung đột thương mại toàn diện.

Có thể bạn quan tâm