Hàng “Made in China” tại Mỹ tăng giá nhanh hơn lạm phát

Giá hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc và được bán trên Amazon Mỹ đang ghi nhận đà tăng nhanh hơn lạm phát khi người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận tác động từ thuế quan…

Hàng “Made in China” tại Mỹ tăng giá nhanh hơn lạm phát

Theo một phân tích độc quyền được thực hiện cho Reuters bởi công ty phân tích dữ liệu DataWeave, giá hàng hoá “Made in China” được bán trên Amazon đang tăng nhanh hơn cả tốc độ lạm phát chung. Kết quả này cho thấy thuế quan do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt bắt đầu có ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.

Mức tăng đối với giá thành của những mặt hàng này bắt đầu tăng tốc từ tháng 5, là tín hiệu chỉ ra rằng thuế quan đã bắt đầu “ngấm” vào chuỗi cung ứng tiêu dùng. Tính từ tháng 1 đến giữa tháng 6, giá trung vị của hơn 1.400 mặt hàng do Trung Quốc sản xuất và được bán cho người tiêu dùng Mỹ trên Amazon.com đã tăng 2,6%, vượt mức lạm phát lõi của Mỹ đối với hàng hóa, vốn mới chỉ tăng 1% trong cùng kỳ, tương đương mức tăng hàng năm 2%.

DataWeave đã phân tích hơn 25.000 sản phẩm, trong đó tập trung vào 1.407 mặt hàng được bán trên Amazon có thông tin rõ ràng về xuất xứ từ Trung Quốc. Công ty này sử dụng giá trung vị thay vì giá trung bình nhằm loại trừ ảnh hưởng từ những biến động giá ngắn hạn hoặc các giá trị bất thường.

Rổ hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc bao gồm cả sản phẩm được Amazon trực tiếp phân phối lẫn hàng hóa của các nhà bán hàng thứ ba, nhóm chiếm tới 62% tổng số sản phẩm bán trên nền tảng này.

chart.jpg
Giá của nhiều sản phẩm "Made in China" được bán trên Amazon.com đã tăng nhanh hơn trong năm nay so với hàng hóa từ các khu vực khác

Các mặt hàng có mức tăng giá nhanh nhất bao gồm đồ dùng học tập và văn phòng, thiết bị điện tử như máy in và máy hủy tài liệu, phương tiện lưu trữ như đĩa CD và DVD, cùng các mặt hàng gia dụng như đồ nội thất và đồ dùng nhà bếp. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp cho toàn cầu trong hầu hết tất cả mọi lĩnh vực, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 đạt 438,9 tỷ USD.

Mức tăng còn tùy thuộc vào từng sản phẩm, thậm chí một số mặt hàng ghi nhận mức giá giảm. Tuy nhiên, cả dữ liệu từ chính phủ liên bang và phân tích của DataWeave đều cho thấy chi phí hàng hóa có xu hướng tăng nhanh hơn trong vài tháng gần đây, khi thuế quan bắt đầu tạo áp lực rõ rệt lên giá bán lẻ.

Trong số 1.407 sản phẩm được theo dõi trong nghiên cứu của DataWeave từ tháng 1 đến ngày 17/6, có 475 sản phẩm tăng giá, 633 giữ nguyên và 299 giảm giá. Chẳng hạn, ấm đun nước điện Hamilton Beach đã tăng từ mức giá trung vị 49,99 USD lên 73,21 USD, trong khi chảo chiên GreenPan tăng hơn gấp đôi thành 31,99 USD.

3wdy2zyozjkezlh7qv7kqpujye.jpg
Giá chảo rán GreenPan trên Amazon tăng gấp đôi lên 31,99 USD trong 6 tháng đầu năm 2025

Ông Karthik Bettadapura, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành DataWeave cho biết yếu tố mùa vụ có thể góp phần vào xu hướng tăng giá, song thời điểm và tốc độ tăng cho thấy các cú sốc chi phí đang lan rộng trong chuỗi cung ứng bán lẻ.

“Ngay cả mức thuế khiêm tốn cũng có thể nhanh chóng gây ra ảnh hưởng khi biên lợi nhuận thấp và chu kỳ nhập hàng ngắn. Những gì chúng tôi ghi nhận trong tháng 6 là đợt tăng giá trên diện rộng đầu tiên, khi các nhà bán hàng bắt đầu điều chỉnh theo chi phí nhập khẩu cao hơn”, ông Bettadapura chia sẻ.

Về phần mình, Amazon cho biết họ chưa ghi nhận sự thay đổi đáng kể nào về giá trung bình của sản phẩm ngoài các biến động bình thường. Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy cho biết vào tháng 5 rằng công ty đã hợp tác với các nhà bán hàng để chuyển đơn hàng về Mỹ trước khi thuế quan có hiệu lực, đồng thời khẳng định Amazon vẫn tập trung tối đa vào việc giữ giá bán ở mức thấp.

Nhiều công ty tiêu dùng đã cảnh báo về khả năng tăng giá do thuế quan, trong đó có nhà bán lẻ lớn nhất Mỹ Walmart. Chuỗi trung tâm thương mại Macy’s cũng cho biết họ đang tăng giá một cách có chọn lọc để bù đắp tác động từ thuế. Nike, công ty đồ thể thao vừa quay trở lại bán hàng trên Amazon sau 6 năm gián đoạn, đã thông báo tăng giá một loạt sản phẩm kể từ ngày 1/6.

Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ vẫn đang tỏ ra thận trọng trong việc chuyển chi phí thuế quan sang người tiêu dùng, trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng tại Mỹ suy yếu và lãi suất duy trì ở mức cao. Theo dữ liệu liên bang, doanh số bán lẻ trong tháng 5 đã giảm 0,9% so với tháng 4, trong khi chi tiêu tiêu dùng cũng bất ngờ sụt giảm.

“Chúng tôi cho rằng nhiều doanh nghiệp có khả năng đang trì hoãn việc tăng giá”, nhà kinh tế Claudio Irigoyen thuộc Bank of America Securities viết trong một báo cáo đầu tháng.

Hiện tại, Mỹ đang áp dụng thuế nhập khẩu phổ quát 10%, thuế 50% đối với thép và nhôm, và 25% đối với ô tô cùng linh kiện ô tô. Ngoài ra, thuế thép bổ sung có hiệu lực từ ngày 23/6, điều này theo ông Bettadapura, có thể gây thêm áp lực tăng giá đối với các sản phẩm như đồ dùng nhà bếp, ấm điện, thiết bị gia dụng nhỏ và các mặt hàng thiết yếu khác trong những tháng tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn bảo vệ chính sách thuế quan của mình, gọi đó là một biện pháp cần thiết nhằm tái cân bằng thương mại toàn cầu và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chồng chất thách thức, khi dân số sụt giảm mạnh, thu nhập đình trệ và lượng nhà tồn kho khổng lồ. Những yếu tố này liên tục giáng đòn mạnh vào tâm lý của cả người mua nhà lẫn các nhà đầu tư, khiến triển vọng phục hồi trở nên mờ mịt…

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Quốc hội Iran vừa thông qua nghị quyết cho phép đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến hàng hải huyết mạch với hơn 1/5 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua mỗi ngày. Động thái này làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển quốc tế…

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với lạm phát cao hơn và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dù vậy, Fed vẫn dự kiến sẽ tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025…

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran khiến giá dầu tăng vọt, làm dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu và có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất…