
Trong một bài xã luận được đăng tải vào cuối tháng 6, tờ Nhân Dân Nhật Báo - tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã kêu gọi siết chặt quy định liên quan đến việc bán đồ chơi túi mù và thẻ sưu tầm cho trẻ em dưới 8 tuổi. Các đề xuất bao gồm xác minh độ tuổi khi thanh toán và yêu cầu sự chấp thuận của phụ huynh đối với các giao dịch trực tuyến.
Dù không nêu đích danh Pop Mart, bài báo đã chỉ trích các doanh nghiệp thu hút trẻ nhỏ tiêu tốn tiền vào các sản phẩm như “thẻ mù” hay “hộp bí ẩn”, vốn là mô hình kinh doanh cốt lõi của Pop Mart. Công ty thường bán các loại mô hình, búp bê trong các hộp kín, và người mua chỉ biết nhân vật bên trong sau khi mở hộp.
LỢI THẾ CỦA POP MART
Ngay sau bài xã luận, giá cổ phiếu Pop Mart đã lao dốc 12,1% trong tuần kết thúc ngày 20/6, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2023, xóa đi phần nào đà tăng khổng lồ lên tới hơn 600% trong 12 tháng trước đó. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã hồi phục phần nào, duy trì gần mức cao kỷ lục đạt được vào giữa tháng 6.
Bình luận từ truyền thông nhà nước về đồ chơi túi mù lần này làm người ta liên tưởng đến các quy định của Bắc Kinh đối với ngành trò chơi điện tử trong những năm trước, được triển khai nhằm hạn chế tình trạng nghiện game và chi tiêu không kiểm soát của trẻ vị thành niên. Loạt quy định này từng bao gồm việc giới hạn thời gian chơi game và đã khiến các công ty game lớn của Trung Quốc mất mát hàng tỷ USD.
“Ảnh hưởng từ chính sách của chính phủ Trung Quốc lên doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều so với các quốc gia khác”, ông Alfredo Montufar-Helu, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu The Conference Board nhận định.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng lo ngại đang bị thổi phồng, bởi đối tượng tiêu dùng chính của Pop Mart không phải trẻ em, mà là thế hệ Gen Z và nhóm người tiêu dùng trưởng thành.
Theo ông Montufar-Helu, Pop Mart sẽ phần lớn không bị ảnh hưởng bởi làn sóng siết chặt quy định, nhờ tập trung vào nhóm “kidult” - những người trưởng thành nhưng vẫn có sở thích, đam mê hoặc hành vi gắn liền với tuổi thơ. Trong khi đó, các công ty cùng ngành nhưng nhắm đến đối tượng trẻ nhỏ nhiều khả năng sẽ bị tác động nghiêm trọng, lưu ý của ông Jeff Zhang, chuyên gia phân tích cổ phiếu tại Morningstar.

Một yếu tố khác giúp Pop Mart tránh được ảnh hưởng nặng nề từ các quy định nội địa là tỷ trọng doanh thu đến từ thị trường quốc tế ngày càng lớn đặc biệt tại Đông Nam Á. Ông Zhang dự đoán tỷ trọng doanh thu từ thị trường Trung Quốc của công ty sẽ giảm xuống khoảng 30% trong vòng 10 năm tới. Dự báo này là hoàn toàn có cơ sở bởi doanh thu ở nước ngoài trong năm 2024 của Pop Mart đã vượt qua tổng doanh thu toàn công ty trong năm 2021.
Theo báo cáo thường niên, Pop Mart ghi nhận khoảng 61% doanh thu năm 2024 đến từ thị trường Trung Quốc đại lục, phần còn lại chủ yếu đến từ Đông Nam Á, Đông Á, cũng như Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Tại Bắc Mỹ, doanh số của công ty trong năm ngoái đã tăng hơn 550% so với năm trước, với 90 cửa hàng và điểm bán hàng tự động đặt tại Mỹ.

Ngân hàng HSBC dự báo doanh thu nước ngoài của Pop Mart trong năm 2025 sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt 14 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,95 tỷ USD), nhờ đà tiêu thụ mạnh mẽ từ dòng sản phẩm “Labubu 3.0” ra mắt vào tháng 4. Con số này sẽ chiếm hơn một nửa tổng doanh thu dự kiến trong năm 2025, so với mức 39% của năm 2024. Đây là sự tiếp nối của đà tăng trưởng thần tốc trong năm ngoái, khi doanh thu của Pop Mart tăng hơn gấp đôi lên 13,04 tỷ nhân dân tệ, trong khi lợi nhuận gần như tăng gấp ba lần.
NỀN KINH TẾ "DOPAMINE"
Sự phổ biến của những món đồ chơi “xấu lạ nhưng đáng yêu” như Labubu trở nên đáng chú ý trong bối cảnh tiêu dùng tại Trung Quốc nhìn chung đang chững lại, khi nhiều người dân trở nên tiết kiệm hơn do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Theo ông Montufar-Helu, người tiêu dùng trẻ tuổi tại Trung Quốc thích sưu tầm các món đồ chơi này vì cảm giác độc quyền nhưng vẫn vừa túi tiền, khi họ có thể sở hữu phiên bản đặc biệt với mức giá hợp lý.
Pop Mart bán các sản phẩm túi mù với mức giá dao động từ 59 nhân dân tệ đến 5.999 nhân dân tệ. Nhiều nhà sưu tập sẵn sàng chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân dân tệ, trong khi một số mẫu hiếm có thể được bán lại trên thị trường thứ cấp với giá lên đến hàng trăm nghìn nhân dân tệ.
“Điểm đặc biệt của túi mù là yếu tố bí ẩn. Nó khơi gợi sự tò mò vốn có nơi con người. Khi mở hộp, cảm giác hồi hộp và háo hức khiến người mua cảm thấy vui vẻ, từ đó tạo nên mong muốn được lặp lại”, ông Chris Wong, nhà tâm lý học lâm sàng cấp cao tại Phòng khám Resilienz (Singapore) chia sẻ. Ông cũng cho biết việc nhìn thấy người khác chia sẻ trải nghiệm mở hộp mù trên mạng xã hội càng khuếch đại cảm xúc này, do nó đáp ứng nhu cầu kết nối xã hội của con người.
Tuy nhiên, dù “cơn sốt Labubu” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng các chuyên gia cho rằng Pop Mart vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức có thể làm chững lại đà phát triển. “Dù các nhân vật chủ lực của Pop Mart như Labubu đã đạt được mức độ phổ biến toàn cầu nhất định trong hai năm qua, nhưng không có gì đảm bảo rằng sự nổi tiếng đó sẽ duy trì trong 5 đến 10 năm tới”, ông Zhang bình luận.
Các rủi ro khác còn bao gồm nguy cơ công ty không theo kịp thay đổi thị hiếu tiêu dùng, cũng như tình trạng đầu cơ, khiến người tiêu dùng thực sự lại bị loại khỏi thị trường. Tháng trước, Pop Mart đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi lượng đơn đặt hàng tăng vọt khiến việc giao hàng bị trì hoãn. Nhiều khách hàng than phiền trên mạng rằng họ không nhận được hàng sau nhiều tuần đặt mua.
Tình trạng hàng nhái cũng có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng của Pop Mart trong và ngoài nước, bất chấp nỗ lực của chính phủ trong việc tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu xuất khẩu. Hải quan cảng Ninh Ba, một trong những cảng bận rộn nhất Trung Quốc, đã thu giữ hơn một triệu búp bê Labubu giả chỉ trong sáu tháng đầu năm nay do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nghi ngờ buôn lậu.

Để giữ cho thương hiệu luôn mới mẻ và hấp dẫn, Pop Mart đang học theo chiến lược của Disney, mở rộng danh mục bản quyền trí tuệ (IP), đồng thời triển khai chuỗi cửa hàng pop-up, hãng phim và cả công viên giải trí. Người sáng lập Pop Mart Vương Ninh từng nhắc đến tham vọng biến công ty thành “Disney của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, những sáng kiến này là không hề đơn giản. “Việc sản xuất hoạt hình đòi hỏi một đội ngũ kể chuyện xuất sắc, có khả năng xây dựng các cốt truyện hấp dẫn một cách nhất quán”, bà Echo Gong, chuyên gia tư vấn tiêu dùng độc lập tại Thượng Hải nhận định. Bà cũng cho biết điều hành công viên giải trí đòi hỏi một bộ kỹ năng hoàn toàn khác và nguồn vốn lớn hơn nhiều so với hoạt động kinh doanh đồ chơi thông thường.