Kinh tế Mỹ đứng giữa ngã ba đường, Fed đành chọn cách “án binh bất động"

Bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất đúng như dự kiến, Fed còn khiến thị trường lo ngại hơn khi cảnh báo về nguy cơ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng, giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang bị phủ bóng “mây mờ” bởi chính sách thuế quan chưa rõ ràng từ chính quyền Trump…

Kinh tế Mỹ đứng giữa ngã ba đường, Fed đành chọn cách “án binh bất động"

Tại cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong biên độ 4,25% - 4,50%. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng nguy cơ lạm phát cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đang dần hiện rõ, và hai yếu tố này có thể đe dọa đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách vẫn đang loay hoay xác định tác động thực sự của các chính sách thuế quan.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, hiện tại chưa rõ liệu nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định hay sẽ suy yếu do những bất ổn kéo dài và khả năng lạm phát bùng phát trở lại trong thời gian tới.

“Quy mô, phạm vi và mức độ kéo dài của những tác động thuế quan hiện vẫn là một ẩn số”, ông Jerome Powell phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.

Chủ tịch Fed cũng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi hiện chưa thể xác định được phản ứng phù hợp về chính sách tiền tệ lúc này là gì. Thật sự rất khó để dự báo tình hình sẽ diễn biến theo hướng nào”.

Giới quan sát cho rằng đây là một cách nói kín kẽ của ông Powell ngầm thừa nhận rằng Fed, một trong những cơ quan tài chính có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, đang buộc phải đứng ngoài cuộc cho đến khi các chính sách của chính quyền Donald Trump cho thấy hết tác động.

Ông Thomas Simons, nhà kinh tế trưởng tại Jefferies, nhận định: “Toàn bộ thông tin về “Ngày Giải phóng”, thông báo trì hoãn áp thuế thêm 90 ngày vào hôm 9/4, những lần thay đổi quan điểm liên tục về các thỏa thuận thương mại và miễn trừ thuế, cùng với tâm lý tiêu cực thể hiện rõ trong các khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng… khiến chúng ta không thể xác định nổi triển vọng kinh tế hiện nay, chứ chưa nói đến việc đánh giá mức độ rủi ro liên quan”. Ông Simons nhấn mạnh rằng việc ông Powell không cam kết điều gì là hoàn toàn dễ hiểu trong một hoàn cảnh đầy bất định như hiện nay.

Nhìn về mặt tích cực, tuyên bố chính thức từ Fed và phần lớn phát của ông Jerome Powell đều bảo vệ quan điểm nền kinh tế Mỹ vẫn đang giữ được sự vững vàng, với thị trường lao động tiếp tục tạo thêm việc làm và tăng trưởng vẫn ở mức khá ổn định. Ông Powell lý giải thêm về mức giảm GDP trong quý 1/2025 là do làn sóng nhập khẩu ồ ạt khi các doanh nghiệp và hộ gia đình tranh thủ mua hàng trước khi thuế nhập khẩu tăng. Trong khi đó, các chỉ số về nhu cầu trong nước vẫn cho thấy tín hiệu lạc quan.

Dù vậy, báo cáo "Beige Book" của Fed, bản tập hợp những ghi nhận thực tế từ các khu vực kinh tế, lại cho thấy một bức tranh u ám hơn, với nhiều hợp đồng bị hoãn lại, nhu cầu sụt giảm và áp lực giá cả ngày càng lớn.

“Các doanh nghiệp và hộ gia đình đang có tâm lý e ngại và vì thế họ trì hoãn quyết định tài chính ở nhiều mặt. Nếu tâm lý này tiếp diễn mà không có biện pháp gì giúp xoa dịu lo lắng, thì các tác động tiêu cực sẽ sớm phản ánh trong dữ liệu kinh tế”, ông Powell nói thêm.

Tuy nhiên, Fed không thể can thiệp cho đến khi xác định rõ nền kinh tế đang chuyển hướng theo chiều nào, và rủi ro đối với hai mục tiêu chính của họ - giữ lạm phát ở mức 2% và duy trì việc làm tối đa – đang nghiêng về phía nào.

Sau khi Fed đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ và kết phiên trong sắc xanh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, trong khi chỉ số US Dollar Index tăng so với rổ tiền tệ quốc tế.

“Chính sách tiền tệ hiện nay giúp chúng tôi có vị thế tốt để phản ứng kịp thời nếu tình hình kinh tế thay đổi”, chủ tịch Jerome Powell khẳng định và nhấn mạnh rằng cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” sẽ tiếp tục là chiến lược chủ đạo của Fed trong những tháng tới.

Tóm lại, hướng đi tiếp theo của chính sách tiền tệ Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc liệu rủi ro từ lạm phát hay việc làm diễn biến như thế nào, hoặc trong kịch bản tệ hơn, khi cả lạm phát và thất nghiệp cùng tăng và buộc Fed phải lựa chọn cái nào là rủi ro lớn hơn để đối phó.

Nếu thị trường lao động yếu đi, khả năng Fed phải cắt giảm lãi suất sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu lạm phát leo thang, chính sách tiền tệ cần duy trì ở mức thắt chặt.

Ông Ashish Shah, Giám đốc đầu tư mảng đầu tư công tại Goldman Sachs Asset Management đánh giá rằng các số liệu việc làm gần đây, dù không quá tích cực nhưng vẫn đủ tốt, đã củng cố lập trường giữ nguyên lãi suất của Fed. “Bây giờ có lẽ trách nhiệm thuộc về thị trường lao động. Nếu nó thực sự suy yếu, Fed mới có thể nối lại chu kỳ nới lỏng”, ông Shah nói thêm.

Chính sách lãi suất của Fed đã không thay đổi kể từ tháng 12/2024. Trong lần cập nhật dự báo gần nhất vào tháng 3, giới quan chức Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trước cuối năm nay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

sản xuất iPhone tại Mỹ

Tổng thống Donald Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi

Apple của Steve Jobs từng bị ám ảnh với việc chứng minh mình đủ khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ, cũng như đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản hùng mạnh thời đó. Nhưng Apple đã thất bại. Nhà máy đã đóng cửa năm 1992 và toàn bộ công việc đó được chuyển sang Châu Á...

Giấc mơ sản xuất tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều rào cản

Giấc mơ "sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có xa vời?

Cuối những năm 1940, khi năng lực công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đang suy yếu, Mỹ chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, nước này chỉ còn chiếm hơn một phần mười sản lượng và nhập khẩu nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa so với xuất khẩu...