Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai, chung cư

Hà Nội, TP. HCM và nhiều địa phương được yêu cầu giải quyết các vụ khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự liên quan tới đất đai, nhà ở chung cư.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai, chung cư

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa chỉ đạo các địa phương Hà Nội, TP. HCM, Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đắk Nông có giải pháp giải quyết 13 vụ khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự được nêu trong báo cáo số 187 của Ban Dân nguyện Quốc hội.

Theo Ban Dân nguyện của Quốc hội, qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo trên cả nước thời gian qua cho thấy có 13 vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, trong đó có nhiều vụ liên quan tới tranh chấp đất đai, nhà chung cư.

Cụ thể, 3 vụ khiếu kiện liên quan đến nhà chung cư tiếp tục diễn biến phức tạp, như chung cư tái định cư ở 312 Lạc Long Quân (TP. HCM), dự án đầu tư xây dựng khu văn phòng, nhà ở, nhà trẻ ở phố Minh Khai và dự án chung cư Goldmark City số 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội).

Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, tại 3 dự án chung cư này người dân bức xúc khi chủ đầu tư có thái độ không hợp tác, không tổ chức tiếp, đối thoại với cư dân về bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số nội dung liên quan tới công năng của các tòa chung cư. 

Đối với lĩnh vực đất đai, có 3 vụ khiếu nại, tố cáo, đó là vụ khoảng 100 người dân mua đất của Công ty CP Bách Đại An nhưng chưa nhận được sổ đỏ đã kéo đến trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam dựng lều, căng băng rôn, khẩu hiệu đòi trả lại tiền mua đất.

Ngoài ra, còn có 2 vụ việc khiếu kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường ở Bình Định và Nghệ An chưa được giải quyết dứt điểm; 4 vụ việc liên quan đến việc công nhân đình công, yêu cầu tăng lương, phụ cấp và phúc lợi khác gây phức tạp về an ninh, trật tự; 1 vụ việc liên quan đến việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo xảy ra xô xát giữa người dân thôn Thuận Hà, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) với lực lượng thi công dự án điện gió của Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông…

Hiện nay, những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không chỉ riêng về quỹ bảo trì, mà còn nhiều vấn đề khác như chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, tranh chấp diện tích sử dụng chung, chậm bảo hành, tranh chấp phần diện tích chung-riêng, an toàn phòng cháy, chữa cháy… Trong đó, những sai phạm về quy hoạch và xây dựng là phổ biến nhất. 

Điều đáng nói là phần lớn các dự án có tranh chấp đều đã bàn giao cho người dân vào sử dụng. Những tranh chấp bắt đầu nảy sinh khi nhiều hạng mục trong tòa nhà không được hoàn thành theo cam kết lúc mở bán, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế căn hộ, công năng chung của tòa nhà thành căn hộ để tăng lợi nhuận.

Thực tế trên dẫn đến khiếu kiện kéo dài giữa các bên, song các quy định pháp luật dường như chưa có chế tài cụ thể để xử lý những bất cập này, chưa kể có nơi còn dành sự “ưu ái” cho chủ đầu tư mà bỏ qua lợi ích của người dân. Đây là những bất cập cần sớm được sửa đổi để bảo đảm tính pháp lý và sự minh bạch của luật pháp.

Xem thêm

Tranh chấp chung cư tại TP.HCM ngày càng gia tăng

Tranh chấp chung cư tại TP.HCM ngày càng gia tăng

Việc chủ đầu tư vi phạm cam kết không làm "sổ đỏ" cho người mua nhà, đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng, bàn giao nhà chưa đủ điều kiện… khiến tranh chấp chung cư ở TP.HCM ngày càng gay gắt.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…