Tính đến thời điểm 31/3/2019, HVG còn 9 công ty con trực tiếp và 1 công ty con sở hữu gián tiếp. Từ năm 2018 đến nay, tài sản của HVG đã giảm hơn 39%, từ mức 13.877 tỷ đồng chỉ còn 8.434 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn của Hùng Vương chủ yếu tập trung tại khoản phải thu với 4.752,5 tỷ, chiếm tỷ trọng 68%, cùng với 1.809 tỷ hàng tồn kho. Hùng Vương cũng tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng đối với hai khoản mục này, bao gồm 679 tỷ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và hơn 12 tỷ dự phòng giảm giá hàng tồn.
Trước đó, Hùng Vương đã quyết định thanh lý các bất động sản và quyết định giải thể đối với Địa ốc An Lạc do Công ty năm giữ 76% vốn, thoái vốn tại Thực Phẩm Sao Ta (mã: FMC) với hơn 21 triệu cổ phiếu, bán bớt vốn tại CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (mã: VTF) giảm tỷ lệ sở hữu từ 90,36% về 33,16% vốn, bán Kho lạnh 2 cho Giải pháp Thương mại ABA, thu về gần 151 tỷ đồng…
Được biết, việc bán dần tài sản và đơn vị sở hữu là bước đi "cầm chừng" của Hùng Vương xuyên suốt năm 2018, trong bối cảnh xin giãn nợ từ phía ngân hàng.
Mặc dù vậy, tài chính Hùng Vương vẫn còn mất cân đối, trong đó kiểm toán nhấn mạnh khả năng hoạt động kinh doanh của Hùng Vương lúc này phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.
Tính đến 31/3/2019, tổng nợ hiện nay của Hùng Vương ghi nhận 6.630 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 6.481 tỷ (chiếm 93% tài sản ngắn hạn) riêng khoản nợ vay tài chính là 2.969 tỷ đồng; nợ dài hạn 149 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của Hùng Vương tính đến nay là BIDV với hơn 1.935 tỷ đồng nợ ngắn hạn, kế tiếp là Vietcombank với 602 tỷ, HDBank 169,5 tỷ cùng một số khoản vay ngắn hạn tại các nhà băng khác. Trong đó, nợ đến hạn trả của doanh nghiệp hơn 54,5 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu Hùng Vương vào mức 2.197 tỷ, lỗ lũy kế hơn 398 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018.
Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Hùng Vương là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ). Từng tự tin khẳng định sau kết quả POR14, Hùng Vương sẽ không còn cần đến dòng vốn ngân hàng, tuy nhiên những gì còn lại sau tuyên bố đó hiện là bài toán mất cân đối dòng vốn, và những kiến nghị xin giãn nợ nhà băng chưa có câu trả lời.
“Cú sốc” áp thuế chống bán phá giá theo quyết định của POR14 là cổ phiếu HVG giảm không phanh trong 1 tháng trở lại đây về mức giá 4.000 đồng/cp từ mức giá 8.000 đồng/cp, tương đương mức giảm khoảng 50%.
>> 'Vua cá tra' Hùng Vương bán 20.000 m2 đất tại TP.HCM, giải thể công ty địa ốc