Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 66 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Việc phòng, chống hành vi rửa tiền của tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đối tượng áp dụng: Tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Nguyên tắc trong phòng, chống rửa tiền: Luật quy định việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Hành vi rửa tiền phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Biện pháp phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời.
Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền: Luật quy định rõ định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.
Các bộ, ngành có trách nhiệm phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong nội bộ bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định.
Cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, kế hoạch thực hiện sau cập nhật.
Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền. Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả. Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc. Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền. Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.