Tờ New York Times vừa cho đăng tải nội dung của một bản ghi nhớ, trong đó cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đề nghị cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey ngừng việc điều tra về đến mối liên hệ giữa cựu Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Michael Flynn và Nga.
"Tôi hy vọng ông có thể đồng ý cho qua chuyện này, bỏ qua cho Flynn. Ông ấy là một người tốt", ông Trump nói, theo bản ghi nhớ do chính cựu Giám đốc FBI Comey ghi lại ngay sau cuộc gặp với ông Trump tại Phòng Bầu dục, một ngày sau khi ông Flynn từ chức vì các cáo buộc liên lạc với Nga.
Nhà Trắng ngay sau đó lên tiếng bác thông tin trên New York Times.
“Dù nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng Tướng Flynn là một người tốt, đã phục vụ và bảo vệ đất nước, Tổng thống chưa bao giờ đề nghị ông Comey hay ai khác chấm dứt bất cứ cuộc điều tra nào, bao gồm cuộc điều tra liên quan đến Flynn", tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng nêu rõ.
Sức ép từ thượng tầng
Bất chấp việc Nhà Trắng bác bỏ thông tin trên, các nghị sỹ Quốc hội đã kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập nhằm làm rõ mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm ngoái của ông Trump và Nga, đồng thời yêu cầu ông Comey ra điều trần trước quốc hội.
"Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và cải cách chính phủ của Hạ viện Mỹ Jason Chaffetz cho biết ủy ban này sẽ yêu cầu được cung cấp bản ghi nhớ của ông Comey để xem xét cụ thể "nếu văn bản này tồn tại".
Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, AshLee Strong nhắc lại yêu cầu này: “Chúng ta cần có tất cả sự thật và Ủy ban giám sát Hạ viện cần thiết phải có bản ghi nhớ này”.
Tương tự, nghị sĩ đảng Dân chủ Elijah Cummings và nghị sỹ đảng Cộng hòa Frank LoBiondo cho rằng mọi người cần phải được nghe lời giải thích từ ông Comey, cũng như sớm được tiếp cận với bản ghi nhớ trên của cựu Giám đốc FBI cùng tất cả các tài liệu liên quan nếu có.
Thượng nghị sĩ độc lập Angus King cũng bày tỏ lo ngại trước thông tin trên, cho rằng hành vi cản trở thi hành luật pháp là "một sự vi phạm nghiêm trọng”.
Nghị sỹ đảng Dân chủ Adam Schiff cũng cho rằng, nếu thông tin trên là có thật, Tổng thống Trump có thể đối mặt với một cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc can thiệp hoặc cản trở việc thực thi luật pháp. Theo ông Schiff, cựu Giám đốc FBI Comey cần ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp để làm rõ vấn đề trên.
Về phần mình, lãnh đạo thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cho rằngviệc Tổng thống Trump đề nghị ngừng điều tra đối với ông Flynn, nếu có thật, là hành động đe dọa đến pháp quyền - nền tảng của nền dân chủ Mỹ.
Thách thức nghiêm trọng với ông Trump
Các đảng viên Cộng hòa rõ ràng có lý do để cảm thấy bất an bởi những tranh cãi mới nhất liên quan đến vụ sa thải Giám đốc FBI bùng phát trở lại chỉ một ngày sau khi có thông tin cáo buộc Tổng thống Trump tiết lộ thông tin tình báo mật trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga.
Giới quan sát cho rằng, nếu đảng Cộng hòa bị tê liệt vì những tranh cãi trong nội bộ và những cú “vấp váp” tương tự thì dù có nắm quyền kiểm soát lưỡng Viện Quốc hội Mỹ, họ sẽ ăn nói thế nào trước các cử tri?
“Tôi không nghĩ rằng chúng tôi chỉ có thể nhún vai và bỏ qua những chuyện này. Tôi không biết rồi mọi thứ sẽ đi đến đâu”, một nghị sĩ Cộng hòa giấu tên nói.
Điều đáng lo ngại nhất với đảng Cộng hòa hiện nay là công chúng Mỹ có thể dễ dàng tin vào giả thuyết ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey vì bất tuân mệnh lệnh. Dân chúng Mỹ càng có cơ sở để tin vào điều này sau khi xuất hiện thông tin về “bản ghi nhớ” trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu ông Comey chấm dứt cuộc điều tra tìm hiểu mối liên hệ giữa cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Michael Flynn và Nga.
Nghị sĩ Carlos Curbelo của bang Florida nói: “Nếu những lời cáo buộc này là sự thật, nó sẽ gây phiền hà sâu sắc và mở ra một giai đoạn mới mà tất cả chúng ta phải cân nhắc cẩn thận. Chúng ta cần phải có được sự thật ngay khi có thể”.
“Những vụ scandal xảy ra hàng tuần, đi kèm với đó là tranh cãi nảy lửa rõ ràng không phải là điều gì đó tốt lành cho đất nước này. Nó gây sự xao lãng lớn cho đất nước và gây ra tâm lý không tốt cho người dân Mỹ”, ông Curbelo nhấn mạnh.
Giới quan sát nhận định, dù muốn hay không, rõ ràng, những tranh cãi liên quan đến vụ sa thải Comey đang đặt ra thách thức thực sự đối với tương lai chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong bối cảnh người dân Mỹ đứng giữa hai lựa chọn, nên tin vào ai, Tổng thống Trump hay cựu Giám đốc FBI? Nếu các đồng minh của ông Trump không “vẽ” được hình ảnh Comey như một nhân vật mất uy tín thì đòn phản công của vị cựu Giám đốc FBI có thể gây thiệt hại chính trị sâu sắc cho Tổng thống Trump.