Sản phẩm miền núi Việt “lên mạng” vươn ra thế giới

Triển vọng là có, song công cuộc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử vẫn còn nhiều khó khăn.
Sản phẩm miền núi Việt “lên mạng” vươn ra thế giới

Những năm trở lại đây, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh covid-19, thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu thụ, giữ vững chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh những sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử nói chung thì các sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng được nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy.

Bật đèn xanh cho sản phẩm vùng miền

Chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử”, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ nhiều chính sách để xây dựng phát triển thương hiệu và tạo ra những sản phẩm mang nét đặc trưng hàng Việt với lợi thế cạnh tranh riêng.

Hiện tại, Bắc Giang đang có 54 sản phẩm vừa là sản phẩm chủ lực vừa là đặc trưng, tiềm năng và có 180 sản phẩm OCop đều được áp dụng khoa học công nghệ và các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất. Do đó đã tạo được thương hiệu riêng và chiếm được một số tiêu chí về chất lượng trong niềm tin của khách hàng.

Ông Toản cho biết thêm, riêng tại xã Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng đã có hơn 1.000 hộ gia đình, chiếm 70% số hộ dân trong xã được chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử để giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử.

Cơ hội phát triển nông sản cũng như các sản phẩm vùng miền đặc trưng trên các sàn thương mại điện tử là rất lớn. Hầu hết các sàn thương mại điện tử của Việt Nam đều nằm trong top 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á như Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop... Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020 tăng trưởng 18 %, năm 2021 tăng trưởng 15 - 16%.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, ngành chức năng tại các tỉnh miền núi như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, … đã ban hành các Kế hoạch về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.  Đồng thời phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. 

Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam vừa qua, đại dịch covid-19 đã tạo động lực thúc đẩy rất nhiều các địa phương, nông dân và cả đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tích cực tham gia tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử”.

Hiện tại, các sản phẩm như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn... đều được cơ quan chức năng hỗ trợ, "bật đèn xanh" để đứng ở những vị trí ưu tiên nhất trên những sàn thương mại điện tử có uy tín.

Nhìn chung, có nhiều “con đường” để các sản phẩm này chọn tiếp cận người tiêu dùng trong nước hay đi ra thị trường nước ngoài. Song trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay, thương mại điện tử được cho là “đường đi” ngắn nhất.

Phải tiếp tục tính đường dài

Bên cạnh những thuận lợi kể trên và việc chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh, ông Nguyễn Bình Minh cũng lưu ý, khoảng cách số hay giãn cách số giữa các thành phố lớn và các địa phương còn rất lớn.

Cụ thể, chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội và TP.HCM cao gấp 4 lần chỉ số so với các địa phương trên cả nước. Điều ấy dẫn đến các hoạt động thương mại điện tử chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đây là một trong những trở ngại thách thức nếu như muốn đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số cũng như phát triển thương mại điện tử ở vùng sâu vùng xa.

Một yếu điểm khác cũng được ông Minh đề cập. Đó là hiện nay mới chỉ là những bước ban đầu để đưa được sản phẩm lên trên sàn thương mại điện tử. Tức đưa sản phẩm vùng sâu tiếp xúc chỗ đông người, chưa có sự bài bản chuyên nghiệp. Để tính nước lâu dài, cơ quan quản lý và các địa phương phải có hoạt động đào tạo để trợ giúp người nông dân nâng cao trình độ, sử dụng sàn thương mại điện tử hiệu quả hơn.

"Cần sự vào cuộc của rất nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử đến gần với bà con. Trong đó, có việc các đơn vị, các sàn thương mại điện tử đã về hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm", ông Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, có một thực tế là, mặc dù công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại nhất thế giới đã xuất hiện ở tại Việt Nam, tuy nhiên ở mức độ phổ cập cho bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lại chưa có và chỉ nằm ở một số sản phẩm có giá trị cao.

Do đó, ông Minh đề xuất, trong thời gian tới việc phổ cập các hoạt động về truy xuất nguồn gốc cho bà conn nông dân sẽ được mở rộng ra để tất cả sản phẩm từ trung bình đến những sản phẩm giá rẻ đều có khả năng ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại.

"Bởi, những công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại mới được các thị trường trên thế giới dễ dàng chấp nhận. Các công nghệ đơn giản như dán tem hay những công nghệ bình thường sẽ rất khó để thuyết phục và nhận sự tin cậy cao từ khách hàng", ông Minh nêu ý kiến.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...