Sau “bão” điều chỉnh, nhiều lãnh đạo ồ ạt gom cổ phiếu giá hời

Vào lúc phần đông nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu đúng vùng đáy, lãnh đạo của nhiều công ty và người nhà đã nhanh tay gom cổ phiếu giá hời. Thậm chí, giá cổ phiếu sau “bão” điều chỉnh sâu thán
Sau “bão” điều chỉnh, nhiều lãnh đạo ồ ạt gom cổ phiếu giá hời

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua đợt điều chỉnh giảm sâu kéo dài 2 tháng qua, chỉ số VNIndex đã lao dốc từ mức đỉnh 1.200 điểm xuống còn 921 điểm vào cuối tháng 5 vừa qua. Đợt điều chỉnh này đã “thổi bay” thành quả của nhiều nhà đầu tư với mức giảm phổ biến 20-30%, thậm chí có mã giảm tới 50- 60%.

Cơn hoảng loạn tột cùng

Sau gần 2 tháng “thử lửa”, VNindex được xác nhận tạo đáy ở vùng giá 921 điểm và bắt đầu hồi phục đi lên nhờ lực kéo từ các mã trụ cột, vốn hoá lớn. Đây cũng là lúc các cá mập “ăn hàng” gom lại cổ phiếu tốt giá hời chuẩn bị cho cuộc chơi lớn hơn trong nửa cuối năm 2018.

Trong động thái đỡ giá cổ phiếu, gia tăng tỷ trọng sở hữu, nhiều lãnh đạo các công ty niêm yết lớn đã đăng kí mua vào cổ phiếu như HBC, VND, HAG, POM, VPB…

Ngay trong tâm bão, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đã hai lần ra tay mua gom cổ phiếu. Hồi cuối tháng 11/ 2017, cổ phiếu HBC lao dốc không phanh trước những đợt tháo chạy xả hàng lớn, do tin đồn về tình hình nợ nần đáng ngại của công ty. Ông Lê Viết Hải đã mua vào 2 triệu cổ phiếu HBC khi thị giá mã này giảm sàn liên tục rớt về mức 37.600 đồng/CP (giá trước chia tách). Cùng với nỗ lực trấn an nhà đầu tư của ông Hải đã giúp kéo cổ phiếu HBC hồi phục tăng trở lại.

Đến đợt “bão” thị trường giảm sâu tháng 5, cổ phiếu HBC lại giảm mạnh về vùng đáy 22.600 đồng/CP (giá sau chia tách). Ngày 24/5, Chủ tịch Lê Viết Hải lại đăng kí mua vào 2 triệu cổ phiếu HBC, nâng sở hữu lên 23,43 triệu cổ phần. Thông tin này cũng giúp giá HBC hồi phục mạnh mẽ 28% chỉ trong hơn chục phiên giao dịch sau đó.

Sau “bão” điều chỉnh, nhiều lãnh đạo ồ ạt gom cổ phiếu giá hời ảnh 1

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đã 2 lần chi tiền gom cổ phiếu HBC để “đỡ giá" lao dốc

Cổ phiếu HBC năm qua nổi “sóng” lớn là nhờ hoạt động kinh doanh của Hoà Bình năm 2017 bất ngờ tăng trưởng đột biết tới 150% so với năm trước, với doanh thu đạt 16.035 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 860 tỷ đồng. Nhưng quy mô nợ phải trả tăng vọt lên hơn 11.460 tỷ đồng, còn khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 9.100 tỷ đồng… Dòng tiền thuần lưu chuyển từ kinh doanh âm 934 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 522 tỷ đồng.

Đến cuối quý 1/2018, tổng tài sản của HBC là 13.421 tỷ đồng thì có tới 81% là nợ phải trả, tương ứng 10.833 tỷ đồng. Chi phí phát sinh cao nên lợi nhuận sau thuế sụt giảm 25% chỉ đạt 135 tỷ đồng dù doanh thu vẫn tăng mạnh.

“Cá mập” vẫn gom hàng

Không giống trường hợp lãnh đạo HBC mua cổ phiếu “đỡ giá”, nhiều lãnh đạo và người nhà đã mạnh tay vung tiền gom cổ phiếu trong đợt “sale off” tháng 5 vừa qua.

Sau năm 2017 kinh doanh lãi lớn và cổ phiếu VND của CTCP chứng khoán Vndirect chuyển sàn niêm yết trên HoSE, giới đầu tư cũng bị cuốn vào những phiên tăng giá sốc của VND. Từ mức giá 12.000 đồng/CP hồi đầu năm 2017, VND bất ngờ tăng lên tới đỉnh 28.000 đồng/CP (trước chia tách). Đợt bão vừa qua, cổ phiếu VND cũng bị ảnh hưởng sụt giảm mất 1/3 thị giá sau những tin đồn liên quan đến vấn đề liên quan đến pháp luật của công ty HomeDirect- công ty mà VNDirect nắm 15% cổ phần. Hơn nữa, khối ngoại còn xả hàng mạnh khiến cho VND tụt dốc xuống tận 17.600 đồng/CP.

Đây chính là thời cơ để các lãnh đạo VNdirect tranh thủ gom 5,35 triệu cổ phiếu giá hời. Cụ thể, Chủ tịch VND Phạm Minh Hương đăng kí mua 5 triệu cổ phiếu, Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hà Ninh mua 500.000 cổ phiếu, hai Giám đốc khối Trần Vũ Thạch và Vũ Nam Hương đăng kí mua lần lượt 100.000 và 150.000 cổ phiếu…

Sau “bão” điều chỉnh, nhiều lãnh đạo ồ ạt gom cổ phiếu giá hời ảnh 2

Các lãnh đạo VNdirect đăng kí mua 5,35 triệu cổ phiếu VND sau khi thị giá “bốc hơi” 40%

Tháng 5 vừa qua, cổ phiếu POM – CTCP Thép Pomina đã giảm mạnh 26% so với đỉnh 20.700 đồng/CP. Người nhà Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Chiểu liên tục mua vào hơn 4,3 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm này lên hơn 22% vốn. Đến đầu tháng 6 khi giá POM hồi phục, nhiều lãnh đạo và người nhà cũng tranh thu gom gần 3,6 triệu cổ phiếu. Đơn cử, Thành viên Ban kiểm soát Nguyễn Bạch Trường Chinh mua vào 2,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,3% vốn điều lệ) và Đỗ Hoàn Mỹ mua gần 135.000 cổ phiếu. Người có liên quan đến Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Chiểu tiếp tục mua gần 1 triệu cổ phiếu POM.

Hay ở CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG), giao dịch mua bán của cổ đông nội bộ cũng rất sôi động. Gần đây nhất, ông Chu Chee Kwang - Tổng giám đốc đăng ký mua 50.000 cổ phần từ ngày 01/05 - 01/6/2018 song đã hết room ngoại, không mua được. Còn Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang đã mua thành công 500.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 14,67% sau khi đã gom 1 triệu cổ phiếu NLG cách đó chưa lâu…

Bất chấp thị trường chứng khoán trồi sụt với biên độ lớn, các lãnh đạo công ty làm ăn tốt, có tăng trưởng cao vẫn tích cực gom cổ phiếu. Không chỉ “bắt đáy” đúng lúc, giúp chặn đà giảm sâu của cổ phiếu, mà động thái gom cổ phiếu của chính lãnh đạo công ty sẽ giúp tăng niềm tin cho nhà đầu tư vào cam kết gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 >> Tập đoàn Hòa Bình "đắt hàng" trong năm 2018

Có thể bạn quan tâm