Sau gần 2 năm suy giảm, giá nhà mới tại Trung Quốc bắt đầu tăng tốc

Giá nhà mới của Trung Quốc trong tháng 3 tăng với tốc độ nhanh nhất trong 21 tháng, dữ liệu chính thức cho thấy thị trường đang dần thoát khỏi tình trạng ảm đạm…
giá nhà

Giá nhà mới trong tháng 3 của Trung Quốc đã tăng 0,5% so với tháng trước sau khi tăng 0,3% trong tháng 2, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2021. Đây cũng là tháng tăng thứ ba, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) .

Trong khi đó, giá nhà mới theo năm cho thấy mức giảm nhỏ nhất kể từ tháng 6/2022, chỉ giảm 0,8% trong tháng 3 sau khi giảm 1,2% trong tháng 2 - tháng giảm thứ 11 trên cơ sở hàng năm.

Yan Yuejin, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu và phát triển E-house China có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Chỉ số giá nhà ở cho thấy xu hướng ổn định và phục hồi, với hy vọng toàn bộ thị trường bất động sản nói chung đã thoát khỏi vực đáy của năm ngoái”.

Doanh số bán nhà mạnh mẽ đã giúp thúc đẩy sự cải thiện trong giá nhà, bà Yan Yuejin nói thêm. 

Lĩnh vực bất động sản, chiếm khoảng một phần tư nền kinh tế Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm ngoái. Một loạt các lệnh trấn áp theo quy định  đối với mức nợ cao của các nhà phát triển bất động sản đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính khiến việc xây dựng các dự án nhà ở bị đình trệ. Một số người mua đã tẩy chay việc trả nợ thế chấp, điều này càng làm suy yếu tâm lý người tiêu dùng giữa bối cảnh các hạn chế của Covid-19 vẫn còn bị thắt chặt.

Tuy nhiên, các thành phố lớn đã chứng kiến sự phục hồi của doanh số bán nhà trong tháng qua, khi nhu cầu bị dồn nén đã được giải phóng sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12/2022. 

Trong số 70 thành phố được NBS khảo sát, 64 thành phố đã chứng kiến ​​sự gia tăng giá nhà mới tính theo hàng tháng, nhiều nhất kể từ tháng 5/2019 và tăng từ mức 55 thành phố vào tháng 2. 

Mặc dù vậy, các nhà phân tích nói rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu sự phục hồi bất động sản có được duy trì trong thời gian dài hay không, phần lớn vì sự không chắc chắn về niềm tin của người tiêu dùng.

"Sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản nên diễn ra từ từ, bởi xu hướng nhân khẩu học đầy thách thức, điều kiện tài chính vẫn còn eo hẹp đối với các nhà phát triển đang gặp khó khăn và lập trường lâu nay của các nhà hoạch định chính sách rằng “nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs bình luận. 

Vào tháng trước, hơn 50 thành phố tại Trung Quốc đã đưa ra các chính sách kích thích hoặc nới lỏng một số quy tắc về tài sản, bao gồm trợ cấp, thêm quỹ tiết kiệm nhà ở và nới lỏng các hạn chế mua nhà.

Wu Jinhui, nhà phân tích tại CSCI Pengyuan Credit Rating Limited, nhận xét: “Một trong những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là nhu cầu không đủ cùng áp lực giảm phát ngày càng tăng (hàm ý sự sụt giảm trong tổng cầu). Việc tiếp tục ổn định thị trường bất động sản là rất quan trọng. Trong quý hai, chính quyền có thể nới lỏng chính sách ở cả phía cung và cầu, chẳng hạn như cải thiện bảng cân đối kế toán cho các công ty bất động sản chất lượng cao và cắt giảm lãi suất thế chấp”.

Dữ liệu tín dụng trong tuần này cho thấy sự tăng trưởng của các khoản vay trung và dài hạn của hộ gia đình, chủ yếu là các khoản thế chấp, đã tăng tốc trong tháng 3, phù hợp với tinh hình giao dịch bất động sản được cải thiện.

Ngay đầu tháng 4, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố một cuộc khảo sát hàng quý về những người gửi tiền ở đô thị cho thấy, 17,5% số người được hỏi có kế hoạch mua nhà trong ba tháng tới, tăng từ mức 16% trong cuộc khảo sát hàng quý trước đó.

Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu đầu tư và bán bất động sản cho tháng 3 vào 18/4, cùng với dữ liệu hoạt động kinh tế và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu tiên.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…