SCIC rời ghế cổ đông lớn HEC Corp sau khi bán xong 49% cổ phần

Có 5 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua tổng cộng 10,78 triệu cổ phiếu của HEC Corp, gấp 5 lần khối lượng SCIC chào bán (2,156 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ của HEC Corp).
SCIC rời ghế cổ đông lớn HEC Corp sau khi bán xong 49% cổ phần

Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu HEJ của Tổng Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC Corp). Theo đó SCIC đã bán ra toàn bộ 2.156.000 cổ phiếu HEJ (tỷ lệ 49%) và không còn là cổ đông lớn. Giao dịch thực hiện từ 28/12/2021 đến 6/12/2022.

Trước đó SCIC đưa toàn bộ 2.156.000 cổ phần HEC Corp ra bán đấu giá trọn lô với giá khởi điểm cả lô hơn 86,88 tỷ đồng, tương ứng giá khởi điểm bình quân mỗi cổ phần 40.300 đồng.

Kết quả, nhà đầu tư trả giá cao nhất hơn 175 tỷ đồng đã thắng trong phiên đấu giá, tương ứng giá đấu thành công bình quân trên mỗi cổ phiếu xấp xỉ 81.210 đồng. Đây cũng là một trong những phiên đấu giá cổ phần gây nhiều chú ý trong năm 2021. Nguyên nhân vì giá trúng trong phiên đấu giá cao hơn rất nhiều so với thị giá cổ phiếu HEJ cùng thời điểm.

Hiện tại trên thị trường cổ phiếu HEJ đang giao dịch quanh mức 49.300 đồng/cổ phiếu.

Ngay sau đó một nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh, đã có báo cáo mua xong 2.156.000 cổ phiếu HEJ (tỷ lệ 49%) và trở thành cổ đông lớn. Trước giao dịch này ông Linh không sở hữu cổ phiếu HEJ nào.

HEC Corp hiện hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, giám sát các công trình xây dựng thủy điện, thủy lợi. Lĩnh vực hoạt động này khiến kết quả kinh doanh của Tổng công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động đầu tư công của Nhà nước nói chung và đầu tư cho lĩnh vực thủy lợi nói riêng.

Theo báo cáo tài chính của HEC Corp, trong năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất tăng 95% so với năm 2017, đạt 231,8 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2 lần, đạt 14,08 tỷ đồng nhờ Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, nhiều công trình được giải ngân sớm hơn so với dự kiến, kết hợp với khối lượng công việc thực hiện từ năm trước được nghiệm thu.

Tuy nhiên, ngay sau năm tăng trưởng đột biến này, kết quả kinh doanh trong 2 năm sau đó đã liên tục giảm mạnh, khi Nhà nước điều chỉnh vốn đầu tư công giữa các dự án, khối lượng công việc tư vấn, thiết kế sụt giảm.

Cụ thể, trong năm 2018 và 2019, doanh thu thuần hợp nhất của HEC Corp lần lượt giảm 20,28% và 23,66% so với thực hiện năm liền trước, lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 35,09% và 44,1%. Kết quả kinh doanh năm 2020 cũng ghi nhận mức thấp nhất trong giai đoạn 5 năm 2016-2020. Mặc dù thông tin về kết quả kinh doanh năm 2021 của HEC Corp chưa được công bố, song bức tranh kinh doanh được dự báo cũng chưa khả quan hơn trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động đầu tư công cho các công trình thủy lợi tiếp tục ảm đạm.

Tính đến ngày 31/12/2020, các khoản phải thu ngắn hạn là 116,8 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản. Trong 2 năm 2019 - 2020, mặc dù có lợi nhuận, nhưng dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty đều âm, phải tăng cường nợ vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn.

Một điểm cũng đáng chú ý trong bức tranh hoạt động kinh doanh của HEC Corp là tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp trên lợi nhuận gộp ở mức khá cao và có xu hướng tăng qua các năm, từ 58,5% năm 2018 lên 73,2% năm 2019 và 83,3% năm 2020.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm