Cụ thể, từ ngày 16/12 đến 21/12, Egroup bị Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 716.800 cổ phiếu IBC. Trong ngày 19/12, Egroup cũng bị Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt bán giải chấp 71.900 cổ phiếu IBC. Như vậy, tổng số cổ phiếu IBC của Egroup bị bán giải chấp là 788.700 cổ phiếu, khiến sở hữu của tập đoàn này tại Apax Holdings giảm xuống còn 58,8%.
Đồng thời, trong ba ngày 20/12 - 22/12, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT cũng bị Chứng khoán Bảo Việt bán giải chấp 113.800 cổ phiếu IBC, giảm sở hữu của ông từ 6,69 triệu cổ phiếu xuống còn 6,58 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7,9%.
Đợt bán giải chấp cổ phiếu của Shark Thủy và Egroup diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu IBC đã có chuỗi giảm sàn 24 phiên liên tiếp, về 2.790 đồng/cổ phiếu chốt phiên 26/12. Giao dịch cổ phiếu IBC trong thời gian qua thường rơi vào trạng thái “trắng bên mua” khiến cho việc bán giải chấp cổ phiếu gặp rất nhiều khó khăn.
Việc cổ phiếu IBC lao dốc khiến Apax Holdings nhiều lần phải giải trình về việc cổ phiếu giảm sàn. Trong lần giải trình gần nhất về việc giá cổ phiếu IBC giảm sàn 5 phiên giao dịch liên tiếp từ 14/12 đến 20/12/2022, Apax Holdings tiếp tục đưa ra “điệp khúc”: Giá cổ phiếu giảm mạnh đến từ việc nhà đầu tư có vay ký quỹ/ thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Tuy nhiên, nguồn cơn của việc cổ phiếu liên tục bị bán tháo đến từ những lùm xùm của các công ty trong hệ sinh thái của Shark Thủy như: Chất lượng dạy học, việc chậm trả lương, nợ lương giáo viên, việc huy động vốn nhưng không có khả năng thanh toán đối với các nhà đầu tư, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội…
Trong lần giải trình thông tin báo chí ngày 13/12, Apax Holdings đã lên tiếng về những thông tin không mấy tích cực của công ty, trong đó có giải đáp những bức xúc và phản ánh của các nhà đầu tư đã tham gia góp vốn vào hệ thống của Egroup.
“Trước đây, chúng tôi có kế hoạch sẽ niêm yết Egroup lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó do điều kiện chưa phù hợp, chúng tôi có bán cổ phần để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Chúng tôi có cam kết sẽ định giá và mua lại khoản đầu tư đó hàng năm”, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết và bày tỏ mong mỏi lớn nhất lúc này là nhận được sự bao dung, sự chia sẻ của tất cả các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng.
“Chúng tôi nợ các phụ huynh một môi trường học tập như đã cam kết và vốn có trước đại dịch. Chúng tôi mong mỏi tất cả mọi người hãy giúp tôi, cho tôi cơ hội thực hiện được cam kết của mình”, shark Thủy nói, đồng thời phủ nhận tin đồn ông ra nước ngoài.