Sức mua giảm mạnh, triển vọng ngành dệt may không mấy lạc quan

Chứng khoán Mirae Asset vừa công bố báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành dệt may với dự báo khả năng đình trệ đến cuối năm…

Trong những tháng đầu năm 2023, nhu cầu về hàng dệt may ở các thị trường chính suy yếu trước những lo ngại về suy thoái kinh tế. Xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9,6 tỷ USD, tương đương giảm 19,3% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, có sự phân hóa ở các thị trường chính. Mỹ là nước nhập khẩu hàng dệt may hàng đầu của Việt Nam, chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu .Tuy nhiên, so với năm ngoái nhập khẩu của nước ta đã giảm 30%, chỉ đạt 3,05 tỷ USD.

Trong khi đó, Trung Quốc, thị trường xuất khẩu xơ và sợi lớn nhất của Việt Nam, đạt 430 triệu USD, giảm 39%, chiếm 45,7% tổng giá trị xuất khẩu xơ và sợi của Việt Nam. Chỉ có xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc là tăng với lần lượt 11,6%  (0,9 tỷ USD) và 5,8% (0,3 tỷ USD).

Cùng với xuất khẩu yếu đi, hoạt động sản xuất cũng có các tín hiệu khó khăn khi IIP của 4 tháng đầu 2023 nhìn chung không ghi nhận tăng trưởng. Chỉ số sử dụng lao động cả hai mảng dệt và may mặc đều đi xuống với tốc độ khá tương đồng giai đoạn quý 3/2021.

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan trong quý 1/2023. Cụ thể, doanh thu của MSH (giảm 50,6% so với cùng kỳ), VGT (giảm 14% so với cùng kỳ), TCM (giảm 21,9% so với cùng kỳ), HTG (giảm 5,4% so với cùng kỳ), EVE (giảm 22,4% so với cùng kỳ), GIL (giảm 88,9%so với cùng kỳ) đều sụt giảm. Cùng với đó, biên lợi nhuận của các công ty này thu hẹp rất mạnh khiến lợi nhuận quý 1 suy giảm trầm trọng. Điểm sáng trong ngành là TNG (tăng 6,7% so với cùng kỳ) khi vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu.

Trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may yếu đi đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, theo đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng sợi. Cập nhật đến cuối tháng 4, giá cotton đã giảm về mức quanh 80 USD/pounds (giảm 46% so với cùng kỳ), ngang với trung bình giai đoạn 2012-2019 cho thấy nhu cầu nguyên liệu đầu vào của ngành đang suy giảm.

Trong báo cáo mới cập nhật về ngành dệt may, chứng khoán Mirae Asset nhận định, TNG ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 5,9% so với cùng kỳ, đạt 1,334.7 tỷ VND. Trong bối cảnh hầu hết các công ty dệt may niêm yết chủ chốt đều ghi nhận doanh thu và biên lợi nhuận gộp sụt giảm, TNG đang là điểm sáng của ngành..  

Dù có dấu hiệu cải thiện về thanh khoản nhưng cơ cấu tài chính của TNG vẫn đang phụ thuộc vào nợ phải trả và nợ vay. Trong một môi trường lãi suất cao, đòn bẩy cao có khả năng gây ra những cú sốc cũng như áp lực từ chi phí lãi vay đang tăng mạnh. Hơn nữa, tình hình thị trường trái phiếu chưa cải thiện nhiều hiện nay ở Việt Nam hạn chế khả năng tái cấp vốn cho các khoản nợ thông qua kênh trái phiếu trong tương lai gần của công ty

Với việc Fed tiếp tục tăng lãi suất điều hành lên mức 5.25% trong tháng 5 2023, chuyên gia chứng khoán của Mirae Asset khuyến nghị duy trì giả định tỷ suất lợi nhuận yêu cầu trên vốn ở mức 15%, tăng trưởng dài hạn ở mức 4%. Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng thu nhập thặng dư, xác định giá mục tiêu cho TNG ở mức 19.000 đồng và duy trì khuyến nghị nắm giữ.

Mặc dù tăng trưởng GDP của các thị trường tiêu thụ chính của hàng dệt may Việt Nam ghi nhận con số tích cực trong quý 1 nhưng người tiêu dùng vẫn quan ngại về triển vọng kinh tế khi các chỉ báo niềm tin tiêu dùng ở hầu hết các thị trường đều duy trì ở mức thấp.

Theo Mirae Asset cho rằng, với tình hình hiện tại tiêu thụ sẽ chỉ đi lên khi các dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế xuất hiện và người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. Do đó, trong năm 2023, tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp và xuất khẩu sợi vẫn suy yếu.

Có thể bạn quan tâm