Bộ Xây dựng cho biết, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP đã từng bước thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển đô thị trên cả nước theo quy hoạch và có kế hoạch, có nền nếp và tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, có sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch phổ biến trước đó đã được hạn chế, khắc phục.
Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, các Bộ ngành đã tham mưu xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến công tác đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.
Theo đó, các căn cứ ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP đều đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 được thay thế bởi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019; Luật Xây dựng năm 2003 đã được thay thế bởi Luật Xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật kinh doanh bất động sản năm 2006 đã được thay thế bởi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 được sửa đổi bởi Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch).
Những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã điều chỉnh trực tiếp các nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, cụ thể: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư sửa đổi đã điều chỉnh toàn diện trình tự, thủ đầu tư các dự án. Trong đó, riêng đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã bổ sung các quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, cần ban hành Nghị định để quy định chi tiết về yêu cầu đối với nội dung của dự án đầu tư xây dựng khu đô thị làm cơ sở cho việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và quy định chi tiết về công tác bàn giao quản lý công trình trong dự án; quy định chi tiết về các chính sách phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Xây dựng năm 2014 có quy định về quy hoạch và chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. Do đó cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về chương trình phát triển đô thị và khu vực phát triển đô thị cho thống nhất với các quy định mới.
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Bộ đã tiến hành tổng kết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tiếp nhận kiến nghị của các địa phương trong quá trình thi hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn, theo đó đã ghi nhận một số vấn đề bất cập từ thực tiễn quản lý, cụ thể như: Quy định về nội dung chương trình phát triển đô thị chưa làm rõ được sự khác biệt theo từng loại hình đô thị, quy mô và vùng miền; mối quan hệ với kế hoạch đầu tư công trung hạn để xác định nguồn lực đầu tư; thiếu cơ chế kiểm tra, rà soát việc thực hiện chương trình. Quy định về cách xác định quy mô, ranh giới, đối tượng phải lập khu vực phát triển đô thị còn chưa cụ thể, đặc biệt là mối quan hệ của khu vực phát triển đô thị với quy hoạch phân khu dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện; việc quy định thành lập mới ban quản lý khu vực phát triển đô thị cũng cần xem xét trong bối cảnh chủ trương giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy quản lý.
Bên cạnh đó, quy định chưa cụ thể về việc vừa xây dựng vừa khai thác sử dụng công trình trong các khu đô thị dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý cũng như chưa đảm bảo quyền lợi người sử dụng; chưa có quy định về đánh giá tác động hạ tầng khi xây dựng khu đô thị trong nội đô dẫn tới nhiều khu trung tâm trong đô thị quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Từ những lý do trên, theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (sửa đổi) để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP là cần thiết.