Như thường lệ, mùa đại hội cổ đông năm 2025 diễn ra với dày đặc các thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm cũ, quý 1 và mục tiêu cả năm mới. Tuy nhiên, một điểm nổi bật, đó là phần lớn các con số này đều đang tăng trưởng tốt. Đây phải chăng là một tín hiệu tốt để nhà đầu tư mạnh mẽ rót tiền vào thị trường chứng khoán?
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã có buổi trao đổi với báo chí.
Ông đánh giá thế nào về kết quả kinh doanh quý 1 của các công ty chứng khoán?
Trong quý 1, ngành chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh rất phân hóa. Những công ty có thị phần lớn nhất như SSI, TCBS … thì cơ bản vẫn đều đặn, tăng trưởng 8 – 9%, mảng kinh doanh này hỗ trợ mảng khác.
Tuy nhiên, lợi nhuận của những công ty chứng khoán liên quan đến ngân hàng tăng mạnh, chẳng hạn như VPBankS, MBS, HDS … Cơ bản, những công ty cho vay được margin, có huy động được hệ thống ngân hàng để bán trái phiếu thì kết quả kinh doanh khá tốt.
Có hai nhóm đạt kết quả khá tiêu cực. Thứ nhất, nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ thua lỗ. Nguyên nhân là bởi các công ty chứng khoán nhỏ dựa nhiều vào phí môi giới và cho vay với nhà đầu tư cá nhân. Nhưng trong quý 1/2025 vừa qua, phí môi giới mặt bằng chung đã giảm do cạnh tranh khốc liệt, trong khi cho vay NĐT cá nhân không phục hồi quá nhiều. Do đó, tôi kỳ vọng những công ty chứng khoán nhỏ, không có ngân hàng đứng sau sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Thứ hai, những công ty chứng khoán phụ thuộc nhiều vào tự doanh cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do thị trường trong quý 1/2025 vừa qua vẫn tăng, nhưng những cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao như FPT lại giảm. Những công ty có tỷ trọng FPT cao, chẳng hạn như HCM, SHS … thì cũng bị ảnh hưởng một phần.
Cho tháng 5, thị trường hy vọng nhiều vào KRX, giúp doanh nghiệp chứng khoán tích cực hơn. Tuy nhiên, bản thân tôi đánh giá rằng tác động của KRX cũng sẽ ở mức vừa phải, bởi vĩ mô vẫn là yếu tố quan trọng. Nếu ông Trump cứ tiếp tục đưa ra những chính sách thương mại mạnh tay, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp thì thanh khoản cũng khó cải thiện.
Câu chuyện KRX rất tốt, nhưng cần nhìn nhận trong khoảng 1- 2 năm tới. Còn trong năm nay, KRX chưa thể tác động nhiều đến thanh khoản của thị trường.
Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp vẫn tự tin về kế hoạch kinh doanh. Nhưng liệu những khẳng định trên từ chủ doanh nghiệp có đang ru ngủ nhà đầu tư?
Thứ nhất, việc doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh và giữ cho đến hiện nay là hợp lý, bởi chưa biết thuế quan sẽ tác động như thế nào và vĩ mô quý 1/2025 vẫn đang tốt. Có thể nói, bức tranh vĩ mô cho đến quý 1 vẫn tốt. Do đó, không có lý do gì để doanh nghiệp hạ kế hoạch kinh doanh ngay từ thời điểm này.
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp đưa ra tuyên bố không giảm kết quả kinh doanh vào lúc này, không đồng nghĩa sẽ không điều chỉnh trong 1- 2 quý tới. Nếu thị trường đi xuống, điều chỉnh, vĩ mô bất ổn hơn từ thuế quan ông Trump thì tới quý 3, sẽ phản ánh vào doanh nghiệp. Thường quý 3 là mùa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Thứ hai, đa số các ông chủ doanh nghiệp chỉ đưa ra một kịch bản kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần đưa ra kịch bản tốt, kịch bản xấu. Nhà đầu tư cũng rất kỳ vọng vào việc doanh nghiệp đưa ra kịch bản xấu, lợi nhuận là bao nhiêu. Trong bối cảnh thị trường đi xuống, nhà đầu tư sẽ vin vào những kỳ vọng này của doanh nghiệp để mua vào.
Theo ông, có phải nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm do đã phản ánh từ trước?
Ví dụ mã GEE trong năm vừa qua tăng hơn 200%, lợi nhuận tăng 319%. Như vậy, rõ ràng kết quả này đã được phản ánh vào giá. Theo thống kê gần đây của FiinPro, câu chuyện thông tin đi trước thị trường tại Việt Nam rất chính xác. Thường những doanh nghiệp nào công bố kết quả kinh doanh tốt, giá cổ phiếu sẽ được phản ánh trước khoảng hai tuần, hoặc thậm chí đến 3 tháng.
Do đó, việc dựa vào kết quả kinh doanh để mua bán cổ phiếu trong ngắn hạn là không hiệu quả. Chiến lược này chỉ tốt khi thị trường tích cực, và một số mã cổ phiếu đưa ra câu chuyện tăng trưởng làm cả thị trường ngạc nhiệt. Tuy nhiên, hiện tại, khi thị trường bất ổn, nhà đầu tư sẽ không đánh giá quá cao tăng trưởng mà thường phụ thuộc vào giá trong quá khứ.
Theo ông, trong giai đoạn này, việc đổi vàng lấy chứng khoán có phải lựa chọn phù hợp hay không?
Trong những chương trình gần đây, tôi từng chia sẻ rằng phải phân bổ khoảng 10% vào vàng. Và thực tế, trong năm nay, 10% đó đã giúp gỡ lại phần còn lại của danh mục.
Tôi cho rằng giá vàng trong giai đoạn này lên bởi nhiều yếu tố. Goldman Sachs cũng đưa kịch bản rằng giá vàng lên 3.400 USD/ounce và có thể lên 4.000 USD/ounce vào năm 2026. Có thể khẳng định giá vàng đang trong sóng tăng rất mạnh. Tuy nhiên, sóng tăng thường sẽ đi kèm với một sóng giảm rất mạnh, tương tự với diễn biến cổ phiếu VIC vừa qua. Bitcoin, vàng và chứng khoán cũng đều như vậy. Cho nên, việc “đu” theo giá vàng trong giai đoạn này cũng khá rủi ro.
Thay vào đó, nhà đầu tư có thể tập trung chốt lời vàng và chuyển dần sang chứng khoán, vốn đang rẻ hơn. Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý rằng không phải cứ suy thoái, khủng hoảng thì giá vàng sẽ tăng. Chỉ có giai đoạn đầu của cuộc suy thoái thì giá vàng tăng. Còn khi chứng khoán xuống, tiền tệ xuống thì nhà đầu tư sẽ bán vàng để bù vào thanh khoản cho những kênh khác.
Thông thường, đáy thị trường là khi chứng khoán giảm và vàng cũng giảm. Khi đó, nhà đầu tư phải mua chứng khoán chứ không phải vàng. Tôi cũng dự đoán rằng giá vàng sắp đạt đỉnh trong khoảng 3.400 đến 3.500 USD/ounce và thời điểm này sẽ không quá xa.
Mong chuyên gia chia sẻ “Công thức diệu kỳ” để chọn cổ phiếu tốt và rẻ trong thị trường điều chỉnh?
Khi gặp thị trường như hiện nay, nhà đầu tư buộc phải mua cổ phiếu giá trị. Nếu mua cổ phiếu có động lực thì rất khó, chẳng hạn như VIC cũng cần chờ đến điều chỉnh. Ông Warren Buffett đã nói: “Khi thị trường đổ máu thì tôi sẽ mua vào, ngay cả khi đó là máu của chính tôi”.
Tuy vậy, tỷ phú Buffett lại không chia sẻ công thức cụ thể để mua vào cổ phiếu khi thị trường đổ máu. Trong khi đó, ông Joel Greenblatt đã hiện thực hóa phương pháp đầu tư của Warren Buffett. Nếu áp dụng theo công thức này, nhà đầu tư sẽ chiến thắng thị trường trong vòng 3 – 5 năm.
Bộ “Công thức diệu kỳ” (Magic formula) của ông Greenblatt rất đơn giản, đến mức nhiều nhà đầu tư không ngờ rằng công thức này có thể thành công đến vậy. Khi mang bộ công thức này đi thử nghiệm tại thị trường Mỹ, Ấn Độ, Thụy Điển và Phần Lan, thì đều thành công.
Với trường phái đầu tư này, ông Greenblatt sẽ đánh giá cổ phiếu dựa trên “earning yield” (lợi nhuận trước lãi và thuế (EBIT) của doanh nghiệp chia cho vốn hóa + nợ doanh nghiệp). Khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số P/E. Nhưng P/E có một số vấn đề, chẳng hạn như không nói được doanh nghiệp đang vay nợ bao nhiêu và lợi nhuận lại trừ đi những khoản như khấu hao, thuế và lãi suất – những khoản mà doanh nghiệp có thể rút lại được.
Do đó, ông Greenblatt đưa ra chỉ số “earning yield” thay thế. Nếu “earning yield” đánh bại được chỉ số tiết kiệm thì cổ phiếu sẽ vượt qua bài kiểm tra đầu tiên.
Sau khi đánh giá là doanh nghiệp “rẻ” thông qua “earning yield”, ông Greenblatt tiếp tục đánh giá doanh nghiệp có tốt hay không thông qua tỷ số sinh lời trên vốn đầu tư (return on capital - lợi nhuận trước lãi và thuế (EBIT) chia cho tài sản cố định ròng + vốn lưu động ròng). Doanh nghiệp có tỷ lệ càng cao thì càng tốt.
Từ hai chỉ số này, ông Greenblatt đã đưa ra chỉ báo “Magic formula”. Trong 70 năm, chỉ số này đã mang lại hiệu suất trung bình 30%/năm trong khi S&P 500 chỉ đạt hiệu suất từ 10-13%, tỷ phú Warren Buffett chỉ đạt 18 – 19%.
Tuy nhiên, bộ chỉ số này không dùng cho doanh nghiệp bất động và ngân hàng, chỉ dùng cho nhóm phi tài chính. Trên thực tế, trung bình trong năm 2013, khi dùng bộ công cụ này, tôi đã kiếm được tỷ suất sinh lời khoảng 30%.
Chứng minh tại thị trường Thụy Điển cho thấy chỉ số SIX của nước này chỉ gấp 3 lần sau 17 năm. Nhưng nếu đầu tư theo bộ “Magic formula” thì kết quả gấp 6 lần so với chỉ số SIX.
Ngoài ra, ông Greenblatt còn đưa ra cho nhà đầu tư hai lựa chọn: thích mã nào mua mã đó hoặc mua cả danh mục theo “Magic formula”. Kết quả là, người chiến thắng là những người mua cả danh mục.
Ông Greenblatt thấy rằng những cổ phiếu trông có vẻ tốt lại chưa chắc đã tốt, trong khi những cổ phiếu mà nhiều người sợ không dám mua thì cuối cùng lại tăng mạnh.
Chính vì lẽ đó, đầu tư theo danh mục tốt hơn nhiều so với việc đầu tư từng cổ phiếu. Khi lựa chọn ra được 5 hay 10 mã tốt nhất, nhà đầu tư hãy mua vào những mã này, thay vì cố gắng đánh bại thị trường bằng việc chọn một cổ phiếu tốt hay chọn thời điểm tốt.