Thêm 4 mã cổ phiếu bị cắt margin trên HOSE

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa thông báo bổ sung thêm 4 mã cổ phiếu vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Bao gồm VNL, NKG, HAR, HII…
Thêm 4 mã cổ phiếu bị cắt margin trên HOSE

Cụ thể, 9,4 triệu cổ phiếu VNL của Công ty Cổ phần Logistics Vinalink bị HOSE cắt margin do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 có ý kiến không phải ý kiến chấp nhận toàn phần của đơn vị kiểm toán.

Về chi tiết, đơn vị kiểm toán của Công ty Cổ phần Logistics Vinalink đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản tạm ứng tiền đền bù di dời mà Công ty Cổ phần Đường Khánh Hội trả cho VNL liên quan tới dự án chuyển đổi công năng và khai thác kho bãi tại khu vực 145-147 Nguyễn Tất Thành.

Tại thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được thư xác nhận nợ phải trả đối với khoản tạm ứng tiền đền bù di dời mà Đường Khánh Hội đã trả cho VNL. Khoản mục này có số dư tại ngày 31/12/2022 là 32.8 tỷ đồng.

Đồng thời, đơn vị kiểm toán cũng không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế để có thể cho ý kiến về khoản nợ phải trả nêu trên. Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu này hay không.

Giải trình về vấn đề này, VNL cho biết kiểm toán viên đã gửi thư xác nhận công nợ đến Đường Khánh Hội và không nhận được phản hồi. Ngoài ra, Công ty đã gửi yêu cầu đối chiếu công nợ nhiều lần nhưng vẫn không nhận được phản hồi cho đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, VNL có doanh thu gần 1.100 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với năm trước. Tuy vậy, lãi ròng vẫn đạt gần 44 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng tài sản của công ty tại thời điểm cuối năm ở mức 361 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, 263,3 triệu cổ phiếu NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim; gần 95,7 triệu cổ phiếu HAR của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền và gần 73,7 triệu cổ phiếu HII của Công ty Cổ phần An Tiến Industries đều bị HOSE cắt margin do lợi nhuận sau thuế ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán 2022 đều là số âm.

Với riêng Thép Nam Kim, 2022 là một năm đầy khó khăn với ngành thép, không chỉ riêng NKG, loạt doanh nghiệp nhóm này gồm HPG, POM, TVN, SMC, HSG đều ghi nhận mức lỗ kỷ lục.

Theo đó năm 2022, công ty đạt 23.071 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18% so với năm 2021. Doanh thu giảm chủ yếu đến từ mảng xuất khẩu, giảm sâu từ 19.200 tỷ xuống gần 13.600 tỷ còn doanh thu nội địa tăng thêm 500 tỷ lên gần 9.500 tỷ đồng. Thép Nam Kim lỗ ròng gần 125 tỷ đồng trong năm 2022.

Đối với trường hợp của Bất động sản An Dương Thảo Điền, dù doanh thu thuần 2022 ghi nhận gần 145 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm trước, nhưng công ty lại lỗ sau thuế gần 43,8 tỷ đồng.

HAR cho biết kết quả trên do công ty tái cơ cấu để tạo nguồn vốn chuyển hướng kinh doanh sang bất động sản công nghiệp. Theo đó, công ty đã thoái vốn tại Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo San Hô và thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với Khách sạn Boutique, dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.

Tương tự với An Tiến Industries, công ty này dù ghi nhận doanh thu tăng 29%, lên hơn 10,6 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế âm 142,6 tỷ đồng.

HII giải trình kết quả thua lỗ chủ yếu đến từ giá hạt nhựa giảm khiến lợi nhuận từ hoạt động thương mại giảm theo, bên cạnh đó công ty còn phải trích lập dự phòng hàng tồn kho để dự phòng biến động giá của thị trường.

Kết phiên giao dịch sáng ngày 31/3, giá cổ phiếu VNL ghi nhận ở mức 18.800 đồng/cổ phiếu. 3 mã cổ phiếu NKG, HAR, HII lần lượt ghi nhận ở mức 15.150 đồng/cổ phiếu, 3.780 đồng/cổ phiếu và 4.080 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm