Thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp sẽ vận hành trong tháng 7/2023

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (SSC) cho biết, trong tháng 7 tới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đưa vào vận hành thị trường thứ cấp cho trái phiếu phát hành riêng lẻ. Thị trường này sẽ góp phần giải quyết nút thắt của trái phiếu doanh nghiệp...
thị trường chứng khoán
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tại tọa đàm “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán” diễn ra sáng 15/6, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết sẽ đưa thị trường thứ cấp (thị trường giao dịch cho các trái phiếu phát hành riêng lẻ) vào vận hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng khi thị trường được đưa ra sẽ đóng góp một phần trong việc tháo gỡ nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Khi thị trường được vận hành, các công ty chứng khoán thành viên sẽ là thành tố rất quan trọng trong việc kiểm soát tốt các nhà đầu tư (đúng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp). Ngoài ra, làm tăng tính minh bạch cho thị trường, tăng tiếp cận từ phía doanh nghiệp phát hành cho các nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu, đặc biệt nâng cao chất lượng thanh toán, giảm thiểu rủi ro liên quan cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc các công ty chứng khoán, đồng thời tiếp tục hoạt động chuyển đổi các sản phẩm trên thị trường theo định hướng giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và giao dịch các sản phẩm phái sinh, trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tại tọa đàm, bà Tạ Thanh Bình cũng đưa ra những chia sẻ về câu chuyện phát triển sản phẩm cũng như các định chế tài chính giúp thị trường chứng khoán luôn có những cơ hội hấp dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư tư nhân.

Theo Vụ trưởng, những biến động khó lường của thị trường trong thời gian gần đây chính là một kinh nghiệm rất lớn đối với tất cả nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý trong việc điều hành thị trường sao cho đảm bảo thị trường vẫn có thể chống chọi với những sức ép lớn từ các yếu tố khách quan, đồng thời vẫn có những khía cạnh để phát triển bền vững.

Đây cũng chính là mục tiêu của cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 và sau khi lấy ý kiến từ nhiều bộ ngành, chiến lược đã chính thức được đưa lên Thủ tướng và sẽ được ký trong thời gian gần.

Một trong những ý tưởng quan trọng của chiến lược này chính là sự phát triển bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không quá chú trọng tăng trưởng về mặt quy mô hay số lượng, thay vào đó tập trung vào những giải pháp giúp thị trường phát triển bền vững và tăng khả năng chống chịu trước những tác động, biến động khách quan.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, một trong 4 trụ cột chính là chất lượng hàng hoá, để hàng hoá trên thị trường tốt đầu tiên cần có những doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng tốt. Đó là lý do vì sao việc nâng cao chất lượng quản trị theo hướng áp dụng các công nghệ tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị chính là những vấn đề Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng tới. Điều này sẽ tạo ra một nền tảng doanh nghiệp đạt chất lượng không chỉ đối với thị trường Việt Nam mà còn tiếp cận được với thị trường vốn quốc tế.

Thứ hai, trong từng thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Ví dụ với thị trường phái sinh, theo bà Bình, một trong những lý do khiến thị trường này có những biến động mạnh trong thời gian qua là vì số lượng hàng hoá trên thị trường vẫn còn quá ít.

Bà Tạ Thanh Bình cho biết: "Chúng ta chỉ có mỗi một sản phẩm cho nên các nhà đầu tư có thể quan tâm sản phẩm đó một cách quá mức, dẫn đến việc giao dịch sản phẩm có thể hơi thái quá so với thông thường”.

Một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cố gắng triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh như hợp đồng tương lai chỉ số VN100, sau đó tiếp tục triển khai các sản phẩm hợp đồng tương lai đối với các tài sản cơ sở khác (như cổ phiếu), sau đó đến các hợp đồng tự chọn.

Để hỗ trợ cho tất cả những việc này, việc sớm đưa vào vận hành hệ thống KRX không những hỗ trợ triển khai những sản phẩm này, mà còn hỗ trợ rất lớn cho cơ quan quản lý trong công tác giám sát thị trường dựa vào việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, theo đó chất lượng thị trường sẽ được nâng cao.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm