Các báo của Hàn Quốc bày tỏ hy vọng về thành công của cuộc gặp mang tính lịch sử này và kêu gọi hai bên thảo luận thẳng thắn về hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên cũng như tránh lặp lại những thất bại trước đây.
Chân dung các quan chức và trợ lý cấp cao của Hàn Quốc (phía trên) và Triều Tiên (phía dưới) tham gia Hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom, trên biên giới hai miền Triều Tiên.
Nhật báo JoongAng Daily khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba mang ý nghĩa lớn nhất từ trước tới nay do sự kiện này diễn ra sau khi Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và phát triển các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới phần lãnh thổ lục địa của Mỹ.
Bài xã luận có đoạn viết: “Chúng ta hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ làm hết sức để tìm ra được một cách ngăn Bán đảo Triều Tiên rơi vào miệng hố chiến tranh”. Tờ báo cũng nhấn mạnh rằng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này không nên chỉ là một sự chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Nhật báo The Korea Times kêu gọi cả hai nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên thảo luận thẳng thắn về vấn đề hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh toàn thế giới đang tập trung theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh hiếm hoi này.
Bài xã luận của tờ báo nhấn mạnh mức độ thành công của cuộc đối thoại giữa hai bên sẽ được đo bằng sự đồng thuận mà họ đạt được về các chủ đề chính là phi hạt nhân hóa và kiến tạo nền hòa bình lâu dài, nhưng chỉ riêng việc hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau cũng đã đủ làm rung động trái tim của nhiều người trên Bán đảo Triều Tiên hằng mong muốn hai bên nối lại các hoạt động giao lưu cấp cao.
Trong khi đó, tờ Korea Herald nhấn mạnh trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, lãnh đạo hai miền Triều Tiên cần tránh lặp lại những thất bại của các cuộc gặp thượng đỉnh lần trước.
Tờ báo cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh lần này có nghĩa rằng mối lo ngại về chiến tranh tại thời điểm này đã bị bỏ lại đằng sau và bước đi đầu tiên hướng tới việc đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang được thực hiện.
Bài xã luận kết luận: “Tất cả mọi thỏa thuận hào nhoáng - cho dù là về cơ chế hòa bình, làm dịu căng thẳng quân sự hay cải thiện mối quan hệ liên Triều - sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không có bước tiến triển thực sự về phi hạt nhân hóa”./.