Thuyết âm mưu về “game” thâu tóm tại Đường Quảng Ngãi

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) bật tăng mạnh. Từ mức 40.000 đồng/cp cuối tháng 6, cổ phiếu này đã tăng 27,5% lên trên 51.000 đồng/cp, có thời điểm QNS còn ghi nhận mức giá 54.000 đồng/cp (phiên 17/9), tương đương mức tăng 35%
Thuyết âm mưu về “game” thâu tóm tại Đường Quảng Ngãi

Dẫn đầu thị trường, nhưng cổ phần phân tán

Lý giải đà tăng của QNS, có ý kiến chuyên gia cho rằng, một phần động lực đến từ việc giá đường trên thế giới tiếp tục tăng nóng. Đồng thời, Đường Quảng Ngãi cũng vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 8 tháng với doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 5.100 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) và 860 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, dường như diễn biến tăng giá cổ phiếu QNS có lý do chính đến từ việc Đường Quảng Ngãi đang trong tầm ngắm M&A.

Hiện, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty Đường Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2021-2025 đã xuất hiện một thành viên HĐQT độc lập - điều chưa từng có trong tiền lệ - tại công ty này. Đó là ông Nguyễn Văn Đông (SN 1979), hiện đang là Giám đốc điều hành CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Ông Đông đại diện cho 29,35 triệu cổ phiếu QNS, tương đương 8,22% vốn cổ phần của Đường Quảng Ngãi. VDSC hiện cũng đang trực tiếp sở hữu 3 triệu cổ phiếu QNS, tương ứng 0,84%. Lượng cổ phiếu QNS ông Nguyễn Văn Đông đại diện đang có giá trị thị trường 1.373 tỷ đồng.

Một công ty chứng khoán khác cũng đã nắm giữ 15 triệu cổ phiếu QNS, tương đương 4% cổ phần của Đường Quảng Ngãi. Đó là Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã: VCI). Số cổ phần này được VCSC mua từ năm trước và đang hạch toán tại danh mục tự doanh. Tính theo giá trị thị trường, lượng cổ phiếu này hiện có giá trị 750 tỷ đồng.

Được biết, ông Nguyễn Văn Đông và hai công ty VDSC, VCSC đều là những chuyên gia trong lĩnh vực M&A tích cực mua cổ phần QNS dẫn tới suy đoán về một kế hoạch thâu tóm Đường Quảng Ngãi đang được triển khai.

Suy đoán này được bổ sung thêm thông tin xác tín, khi báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán cho biết, ông Đông là đại diện cho nhà đầu tư liên quan đến Nutifood. Đồng thời cho biết tỷ lệ sở hữu của Nutifood tại Đường Quảng Ngãi là khoảng 9%.

Hiện tại, Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông khá đa dạng. Trong đó, 3/4 cổ phần nằm trong tay cổ đông nhỏ, phần lớn là cán bộ, nhân viên lâu năm, không có cổ đông nào nắm giữ lượng cổ phần chi phối công ty.

Nói cách khác, với cơ cấu cổ đông phân tán này, Đường Quảng Ngãi ở trạng thái lý tưởng để thâu tóm. Vấn đề còn lại chỉ là lợi thế sinh lợi của doanh nghiệp này đang như thế nào mà thôi.

Hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã cho thấy sự ổn định, tăng trưởng mạnh về doanh thu và giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng thiết yếu. Trong đó, dù là một doanh nghiệp lớn của ngành đường, nhưng từ lâu Đường Quảng Ngãi đã trở thành một công ty sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu với cơ cấu sản phẩm đa dạng từ đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), bia (Dung Quất), nước khoáng (Thạch Bích) cho đến bánh kẹo (Bisca Fun).

Mảng kinh doanh duy trì vị thế dẫn đầu của Đường Quảng Ngãi hiện là sữa đậu nành, với việc nắm giữ tới 86% thị trường. Trong khi 2 đối thủ chính là Vinamilk và NutiFood, mỗi bên chỉ giành được vỏn vẹn 5%. Cần lưu ý, Vinamilk và NutiFood hiện là các thương hiệu lớn hàng đầu của thị trường sữa cả nước.

Trong giai đoạn 2015-2018, sữa đậu nành vẫn đóng vai trò trụ cột, chiếm trung bình trên 50% doanh thu của Đường Quảng Ngãi, trong 2 năm gần đây là xấp xỉ 60%. Trong dài hạn, mảng sữa đậu nành được dự báo hồi phục sau năm 2021, biên lợi nhuận được cải thiện qua từng năm.

Cơ cấu cổ đông hiện nay của Đường Quảng Ngãi
Cơ cấu cổ đông hiện nay của Đường Quảng Ngãi

15% vốn và những gì còn chưa rõ ?

Với đặc trưng vốn cổ phần phân tán, nhưng lại nắm vị thế hàng đầu thị trường, sẽ không bất ngờ khi Đường Quảng Ngãi luôn trong “tầm ngắm” thâu tóm. Vậy ai sẽ là “ứng cử viên “ sáng giá cho vị trí “ông chủ” của công ty này ?

Được biết, Nutifood là công ty chuyên về các sản phẩm sữa dinh dưỡng cũng nằm trong top các tên tuổi dẫn đầu thị trường Việt Nam. Năm 2020, doanh thu của Nutifood đạt gần 400 triệu USD, nhưng động lực tăng trưởng của công ty này có dấu hiệu chậm lại trong nhiều năm gần đây.

Nguyên nhân từ việc thị trường sữa cho mẹ và bé đang chuyển dịch sang phân khúc cao cấp hơn, khi mức sống người dân tăng lên. Mặt khác, thị trường sữa Việt Nam đã có dấu hiệu bão hòa. Các thương hiệu sữa cạnh tranh gay gắt, khó gia tăng thị phần, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Do đó, với những doanh nghiệp lớn, việc thâu tóm những thương hiệu như Đường Quảng Ngãi được cho là phương án tối ưu và vừa sức, để tiết kiệm thời gian, nhanh chóng chiếm lĩnh những thị trường ngách. Qua đó mở rộng thị phần và đa dạng sản phẩm và giải bài toán phát triển.

Có ý kiến cho rằng, nhiều khả năng Nutifood đã ủy thác cho cả VDSC và VCSC mua cổ phiếu QNS. Tuy nhiên, đây chỉ là một phỏng đoán chưa có cơ sở để chứng minh.

Về phía VCSC, nhiều người trong ngành cho rằng, mục tiêu ban đầu của công ty chứng khoán này vào Đường Quảng Ngãi là để kiểm soát và tiến tới làm chủ. Căn cứ của nhận định này là nhóm Bản Việt đã thâu tóm thành công CTCP Sữa Quốc tế (IDP), và cũng không ít lần xác định sẽ đẩy mạnh đầu tư vào ngành sữa.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí cách đây không lâu, ông Đinh Quang Hoàn- Phó Tổng giám đốc VCSC cho biết, lĩnh vực hàng tiêu dùng đang được VCSC đầu tư rất mạnh với việc nắm giữ lượng lớn cổ phần IDP, Lothamilk theo cả hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Trước đó, IPD đã đặt mục tiêu doanh thu trong năm nay là 5.000 tỷ đồng nhưng tham vọng của Chủ tịch HĐQT Tô Hải (đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của VCSC) và các đồng sự xa hơn thế và để vươn lên thành công ty sữa hàng đầu Việt Nam, Đường Quảng Ngãi là “con đường tắt” khả thi nhất.

Một báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC) bất ngờ đưa ra nhận định về việc nhóm cổ đông Masan Group có thể là một trong những “tay chơi” trong “game” này. Đại diện Masan Group đã bác bỏ điều này ngay sau đó và TCSC cũng gỡ bỏ thông tin, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng “gỡ là vì lộ game”.

Tuy nhiên, nhấn mạnh là, với các thông tin đã công khai, tổng cộng các cổ đông Nguyễn Văn Đông và hai công ty VDSC, VCSC hiện nắm giữ chưa tới 15% cổ phần Đường Quảng Ngãi. Đây là tỷ lệ có thể đảm bảo một vị trí trong HĐQT Đường Quảng Ngãi, chứ chưa đủ làm rung lắc thượng tầng của doanh nghiệp này.

Và mặt khác, việc đầu tư nghìn tỷ để chỉ nắm giữ vị trí khiêm tốn trong doanh nghiệp quy mô vốn cỡ trung như Đường Quảng Ngãi lại không là phong cách thâu tóm thường thấy ở các doanh nghiệp lớn, do những rủi ro đầu tư mà nó mang lại.

Một ví dụ có thể dẫn chứng, Masan đã chi trên 2.100 tỷ đồng sở hữu 25% vốn tại Vissan, nhưng sau đó không thể mua tiếp cổ phần để hoàn tất thâu tóm doanh nghiệp này. Tại Vinamik, cơ cấu cổ đông cũng chia nhỏ tới mức, cổ đông nhà nước dù chưa nắm quá bán cổ phần, thì vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Thế thì, việc nắm chưa tới 15% vốn điều lệ tại Đường Quảng Ngãi liệu đã đủ để đảm bảo cho cuộc đổi chủ diễn ra tại doanh nghiệp này ? Hay là còn những thương vụ mua cổ phần nào nữa tại doanh nghiệp này vẫn chưa công khai ?

Có thể bạn quan tâm