Tỉnh Hoà Bình sẽ có 17 đô thị vào năm 2023, lấy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đến năm 2030 tỉnh Hoà Bình sẽ thành lập mới 6 đô thị đạt tiêu chí loại V…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hoà Bình lấy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Hoà Bình lấy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo Quyết định 1648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc tốp khá của cả nước.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hòa Bình có 13 đô thị, bao gồm 11 đô thị hiện hữu, trong đó có 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V. Thành lập 2 đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại V là thị trấn Phong Phú huyện Tân Lạc và thị trấn Mường Vó huyện Lạc Sơn.

Còn giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Hòa Bình có 17 đô thị, trong đó, 13 đô thị phát triển đến năm 2025 và thành lập 4 đô thị mới đạt tiêu chí loại V (thị trấn Dũng Phong huyện Cao Phong, thị trấn Ân Nghĩa huyện Lạc Sơn, thị trấn Vạn Hoa huyện Mai Châu, đô thị Bãi Xe huyện Kim Bôi).

Các đô thị tỉnh Hòa Bình phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, gồm đô thị trung tâm hành chính - chính trị và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông bán vành đai kết hợp các trục dọc, trục ngang có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc và quốc gia.

Đối với phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, quy hoạch các khu dân cư mới theo nhu cầu thực tế của từng địa phương. Hình thành điểm dân cư nông thôn phân bố dọc theo các trục giao thông và lân cận các đô thị - công nghiệp tập trung.

Về các khu dân cư thuần nông, có định hướng chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá, áp dụng mô hình kinh tế trang trại. Bố trí các điểm dịch vụ thương mại hàng hoá tại các trung tâm xã, nhằm khuyến khích phát triển trao đổi sản phẩm nông nghiệp hàng hoá.

Theo quy hoạch, tỉnh Hoà Bình phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ dịch vụ, du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Cùng với đó, phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch văn hóa tín ngưỡng, tâm linh; dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ưu tiên xây dựng sân golf và bất động sản gắn với sân golf.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và phát triển dịch vụ, du lịch. Tăng cường quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Chú trọng công tác tổ chức các sự kiện du lịch và các hoạt động liên kết để hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Có thể bạn quan tâm