Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hạ lãi suất ngay lập tức

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chú ý tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới khi đưa ra tuyên bố sẽ tác động để ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất…

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát tín hiệu đầu tiên nhắm vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi ông tuyên bố sẽ gây áp lực để hạ lãi suất. Phát biểu qua video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), tân Tổng thống Mỹ dù không nhắc trực tiếp tên Fed nhưng đã nêu rõ yêu cầu về việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

“Tôi sẽ yêu cầu giảm lãi suất ngay lập tức. Và tương tự, lãi suất cũng nên được giảm trên toàn thế giới”, ông Donald Trump nhấn mạnh.

Mối quan hệ của ông Donald Trump và các quan chức Fed ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên đã là khá căng thẳng. Ông Trump thậm chí còn thường xuyên chỉ trích chủ tịch Jerome Powell - người mà chính ông đã bổ nhiệm.

Phát biểu với báo giới trong cùng ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông kỳ vọng Fed sẽ lắng nghe mình và dự định trao đổi với chủ tịch Fed Jerome Powell vào thời điểm thích hợp.

Thị trường đã có một số phản ứng trước bình luận này, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng điểm trong lúc ông Trump phát biểu, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với chính sách, lại giảm nhẹ.

Trong tuần đầu tiên đầy bận rộn, ông Donald Trump chưa thảo luận quá nhiều về quan điểm đối với chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông đã bày tỏ rằng tổng thống nên có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến lãi suất.

Về phía ngân hàng trung ương, chủ tịch Powell và các quan chức Fed luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự độc lập. Bản thân ông Jerome Powell đã nhiều lần khẳng định rằng Fed không đưa ra quyết định dựa trên yếu tố chính trị.

Trên thực tế, ông Donald Trump không có thẩm quyền pháp lý trực tiếp đối với Fed, nhưng tổng thống là người đề cử các thành viên cho hội đồng Fed.

Các bình luận của ông Donald Trump đưa ra vào thời điểm chưa đầy một tuần trước khi Fed tổ chức cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày. Thị trường đánh giá khả năng Fed hạ lãi suất vào những ngày tới là gần như bằng 0.

Lãi suất quỹ liên bang hiện đang nằm trong phạm vi 4,25% - 4,5% sau khi Fed cắt giảm 1 điểm phần trăm vào quý 4/2024. Theo dữ liệu từ CME Group, các nhà giao dịch dự đoán lần giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2025 có thể diễn ra vào tháng 6, với khoảng 50% cơ hội có thêm một lần giảm khác trước cuối năm.

Dù lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% nhưng các quan chức cho rằng chính sách không cần quá thắt chặt do tốc độ tăng giá đang chậm lại.

Trước đây, ông Donald Trump đã nhiều lần đổ lỗi cho việc lạm phát tăng mạnh dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden là do chi tiêu thâm hụt lãng phí. “Chính vì điều này mà chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, cùng với lãi suất cao chót vót”, ông Trump cho biết.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại công ty tư vấn thuế, tài chính RSM cho rằng ông Trump có thể sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn so với ông nghĩ. Nền kinh tế Mỹ - dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch, lạm phát tăng cao và lo ngại suy thoái - nhưng vẫn cho thấy sức bền đáng ngạc nhiên. Một nền kinh tế khỏe mạnh thúc đẩy người dân vay tiền để mua ô tô, nhà cửa và các thiết bị gia dụng lớn, trong khi doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng. Những động thái này rất có lợi cho nền kinh tế nhưng nhu cầu đi vay có thể giữ lãi suất ở mức cao.

Xu hướng này rất khác so với thời điểm ông Trump bước vào Nhà Trắng lần đầu tiên hồi năm 2017. Khi đó, kinh tế Mỹ vừa thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng chậm và lạm phát rất thấp sau cuộc suy thoái 2008-2009. Các hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn. Còn ngày nay, hầu hết hộ gia đình mang ít nợ hơn, đặc biệt các gia đình có thu nhập cao hưởng lợi từ giá trị bất động sản và tài sản trên thị trường chứng khoán.

“Chúng ta đang ở trong một thời kỳ rất khác. Thời kỳ lạm phát thấp và lãi suất thấp đã qua. Thay vào đó là khuôn khổ mới với nguồn vốn khan hiếm và lãi suất cao”, ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM nhận định.

Có thể bạn quan tâm