Mặc dù có khởi đầu chậm hơn so với vàng, nhưng bạc lại chứng minh được vị thế là tài sản có hiệu suất tốt nhất trong toàn bộ nhóm hàng hóa. Trong năm 2024, giá bạc đã tăng hơn 35%, thậm chí vượt qua cả hiệu suất 32% của vàng.
Nhiều nhà phân tích và ngân hàng đầu tư tin rằng bạc, một lần nữa, có thể sẽ hoạt động tích cực hơn cả vàng trong năm 2025.
Trong báo cáo triển vọng 2025, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities cho biết đà phục hồi kinh tế của Mỹ và Trung Quốc vào nửa cuối năm 2025 sẽ thúc đẩy nhu cầu một cách đáng kể. “Chúng tôi dự đoán giá bạc trung bình sẽ đạt 36 USD/ounce vào những tháng cuối năm 2025, biến nó thành một tài sản vượt trội trong nhóm hàng hóa", đại diện của TD Securities lưu ý.
Dự báo chi tiết của TD Securities cho thấy giá bạc giao ngay sẽ giao dịch ở mức 33,25 USD/ounce trong quý 1/2025, 33 USD/ounce trong quý 2/2025, 34 USD/ounce trong quý 3/2025 và đạt đỉnh 36 USD/ounce trong quý 4/2025. Triển vọng cho năm 2026 còn khả quan hơn, với dự đoán giá sẽ từ 38 đến 39 USD/ounce.
Sean Lusk, đồng giám đốc bộ phận phòng ngừa rủi ro thương mại tại Walsh Trading nói với Kitco News rằng ông cũng kỳ vọng giá bạc sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tình trạng lạm phát dai dẳng. Tuy nhiên, 2025 có thể chứng kiến một số đợt giảm sâu nhưng đây cũng chính là cơ hội để mua vào.
Theo một nghiên cứu của Heraeus Precious Metals, nếu các điều kiện thị trường diễn ra đúng như kỳ vọng, nhà phân tích tin rằng bạc sẽ một lần nữa vượt qua vàng về tốc độ tăng trưởng. Heraeus dự đoán giá bạc giao ngay sẽ dao động từ 28 đến 40 USD/ounce vào năm 2025.
Trong khi đó, giới chuyên gia tại BMO Capital Markets dù có cái nhìn tích cực về bạc trong năm 2025 nhưng họ cho rằng bạc sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn là vàng. Họ dự báo giá bạc trung bình sẽ đạt 29 USD/ounce vào năm tới, tăng 6% so với dự báo trước đó, đồng thời nhấn mạnh rằng giá vàng cao hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ lớn nhất cho bạc trong năm 2025.
Theo BMO, về dài hạn bạc vẫn sẽ nhận được hỗ trợ tích cực từ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và điện khí hóa nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu công nghiệp tăng cao.
Đồng tình với quan điểm trên, Viện Silver Institute tin rằng giá bạc sẽ hưởng lợi từ siêu chu kỳ hàng hoá (commodity supercycle), trong đó nhu cầu đối với các kim loại quan trọng cho công nghệ năng lượng xanh như xe điện, tấm năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng, được kỳ vọng tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
“Chu kỳ này có khả năng được khuếch đại hơn nữa bởi các hạn chế về nguồn cung. Quy định nghiêm ngặt hơn, thời gian cấp phép kéo dài và các hạn chế trong quá trình với thăm dò, phát triển mỏ ở nhiều khu vực sẽ là thách thức đối với các nhà sản xuất cố gắng tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn”, ghi chú của Viện chỉ ra.
Viện Silver Institute nhấn mạnh, kim loại bạc nổi bật như một loại tài sản mang tính chiến lược cao trong mắt các nhà đầu tư tổ chức nhờ vai trò kép của nó vừa là kim loại công nghiệp vừa là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn.
“Lịch sử cho thấy bạc đã minh chứng được giá trị của mình trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và địa chính trị, đóng vai trò là biện pháp phòng ngừa lạm phát, mất giá tiền tệ và bất ổn tài chính theo hệ thống. Trong bối cảnh hiện đại, vai trò này càng trở nên rõ nét hơn”, các nhà phân tích tại Silver Institute kết luận.