Theo trang CNBC, cú đảo ngược chính sách mới nhất của ông chủ Nhà Trắng diễn ra vào tuần trước, khi một báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ không “dán nhãn” Trung Quốc là một quốc gia thao túng tỷ giá, cho dù một lời hứa chủ chốt mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái là đưa Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tỷ giá ngay trong ngày đầu tiên làm Tổng thống. Vậy đâu là vấn đề tiếp theo mà Trump có thể thay đổi quan điểm?
"Một số nhà phân tích hy vọng đó sẽ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới mà ông Trump rút Mỹ ra khỏi hồi tháng 1 năm nay với lý do hiệp định này sẽ khiến ngành sản xuất của Mỹ tổn thương.
“Ai mà nghĩ được là ông Trump sẽ để Trung Quốc, một nước đối thủ, thoát khỏi các mác thao túng tỷ giá? Nếu ông ấy có thể làm điều đó với một quốc gia rõ ràng không phải là bạn bè của Mỹ, thì ông ấy hoàn toàn có thể đảo ngược quyết định về TPP vì một nước bạn bè như Nhật Bản”, ông Sean King, Phó chủ tịch cấp cao của Park Strategies, nói với CNBC ngày 18/4.
Nhật Bản được dự báo sẽ là một nước hưởng lợi chính trong TPP nếu hiệp định này được thực thi, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô của Nhật sẽ được tiếp cận thị trường Mỹ với cánh cửa rộng mở.
Từ lâu đã nói rằng TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có Mỹ, Tokyo quyết định tiếp tục thúc đẩy TPP với 10 quốc gia thành viên còn lại, bao gồm Việt Nam, nhưng nhiều người lo ngại liệu TPP có còn là một thỏa thuận mang tính thay đổi cuộc chơi nếu vắng mặt Mỹ.
Ông King nói ông Trump vẫn còn thời gian để thay đổi quan điểm về TPP, nhấn mạnh rằng nội dung thỏa thuận TPP hiện nay có giá trị cho tới tháng 2/2018.
“Trump nói TPP là một thảm họa, nhưng tôi tin chắc rằng các thành viên khác sẵn sàng nhượng bộ để đưa Mỹ trở lại, giống như Hàn Quốc sẵn sàng nhượng bộ để [Tổng thống Barack] Obama phê chuẩn [hiệp định tự do mậu dịch] Mỹ-Hàn”, ông King nói.
“Trump đã thực hiện những cú đảo ngược lớn hơn và tuyên bố chiến thắng. Tại sao không làm điều này vì những nước bạn bè muốn sát cánh cùng Mỹ chứ? Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đó”.
Lập trường thay đổi của Tổng thống Trump trong các vấn đề chính sách đã thổi vào nền chính trị Mỹ một sự khó lường lan tới cả căng thẳng chính trị ở Syria và Triều Tiên. Điều này cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của Trump tại nước Mỹ. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Gallup thực hiện từ ngày 5-9/4, chỉ 45% người Mỹ tin Trump giữ lời hứa, giảm từ mức 62% hồi tháng 2.
Thương mại được nhận định là vấn đề bàn thảo chính khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence có cuộc gặp với Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tại Tokyo ngày 18/4 trong chuyến công du châu Á kéo dài 10 ngày của ông Pence. Theo dự báo, ông Pence sẽ tập trung vào triển vọng về một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) Mỹ-Nhật, nhưng Tokyo có thể không quan tâm.
“Mỹ đang cố gắng đưa ra cho Nhật, một nước theo đuổi TPP, một ý tưởng về FTA, nhưng tôi không cho rằng Nhật có bất kỳ mối quan tâm nào đối với một thỏa thuận như vậy. Họ muốn giữ vững như ý tưởng và nguyên tắc đã đạt được trong TPP”, ông King nói, nhấn mạnh vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường.
“Tôi nghĩ ông Aso sẽ lắng nghe ông Pence để thể hiện lịch sự với ông Trump. Nhưng tôi không kỳ vọng sẽ có nhiều kết quả trong những cuộc trao đổi này. Đó sẽ là những cuộc trao đổi thân tình, nhưng sẽ không có kết quả thực sự nào”, ông King nhận định.
Theo Bình Minh/Vneconomy.vn