TPBank tín dụng âm 7,3%, lợi nhuận chỉ đạt 215,3 tỷ đồng

Trong quý 1/2017, tín dụng tăng trưởng âm 7,3%, các khoản chi phí tăng đột biến khiến cho lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chỉ đạt 215,3 tỷ đồng.
TPBank tín dụng âm 7,3%, lợi nhuận chỉ đạt 215,3 tỷ đồng

Ngân hàng TPBank vừa công bố Báo cáo tài chính quý 1/2017 song chỉ là bản tóm tắt, không công bố chi tiết thuyết minh báo cáo.

Theo báo cáo này, tại thời điểm 31/3/2017, tổng tài sản của TPBank bị sụt giảm hơn 1.021 tỷ đồng xuống còn 104.791 tỷ đồng. Trong đó, tiền và vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng lên 26,4 nghìn tỷ đồng, cho vay khách hàng giảm hơn 7,3% xuống chỉ còn 43.254 tỷ đồng. Trong đó TPBank phải trích dự phòng rủi ro cho vay hơn 438 tỷ đồng.

Chứng khoán đầu tư giảm nhẹ còn 29.358 tỷ đồng với hơn 353,7 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán.

Huy động tiền gửi từ khách hàng cũng giảm nhẹ xuống còn 54.761 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.

Thu nhập lãi thuần quý 1 của TPBank đạt 612 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư (lãi 102 tỷ đồng), lãi thuần dịch vụ 27 tỷ đồng, còn kinh doanh ngoại hối bị lỗ gần 20 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý 1, chi phí hoạt động tăng mạnh tới 80% lên 431 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro nhích nhẹ lên 75 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý 1 của TPBank chỉ ở mức 215 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2017, TPBank đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh cao hơn, gồm: huy động tiền gửi khách hàng 71.607 tỷ đồng, cho vay khách hàng 56.791 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 30% và 20% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế 2017 dự kiến tăng 10% lên 780 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 3/2017, vốn điều lệ của TPBank ở mức 5.842 tỷ đồng, song vốn chủ sở hữu thấp hơn ở mức 5.040 tỷ đồng do thặng dư vốn cổ phần vẫn ghi nhận âm gần 719 tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên ngày 21/4/2017, lãnh đạo TPBank cho biết thặng dư vốn trên báo cáo bị âm do việc tăng vốn với giá dưới mệnh giá, song đã được bù đắp dần bằng toàn bộ lợi nhuận để lại 480 tỷ đồng của năm 2016. Còn nhờ hồi năm 2012, TPBank chào bán 225 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 5.550 tỷ đồng với giá thấp hơn mệnh giá chỉ 6.000 đồng/CP. Do đó, thặng dư vốn cổ phần âm gần 1.020 tỷ đồng cùng khoản lỗ lũy kế 1.250 tỷ đồng (cuối năm 2011 lỗ lũy kế 1.367 tỷ đồng).

Đến ngày 28/2/2017, toàn bộ khoản lỗ lũy kế của TPBank mới được khắc phục xong. Kể từ tháng 3 năm nay, TPBank mới bắt đầu hoạt động có lãi. Do thua lỗ âm vốn nghìn tỷ nên ngân hàng đã không chia cổ tức nhiều năm liền. Nếu năm 2017 hoạt động tốt có lãi thì TPbank sẽ cân nhắc đến việc chia cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Với việc xoá xong lỗ luỹ kế, cơ hội đưa cổ phiếu TPB lên niêm yết cũng thuận lợi hơn. Song về thời điểm lên sàn, ông Đỗ Minh Phú -  Chủ tịch HĐQT TPBank chia sẻ, “chúng tôi cũng dự kiến sẽ lên sàn trong năm 2017, tuy nhiên thời điểm cụ thể thì chưa xác định, một phần vì ban lãnh đạo muốn ngân hàng ổn định hoạt động kinh doanh trước khi lên sàn”.

>>TPBank vẫn phải “co kéo” lợi nhuận bù đắp âm vốn

Có thể bạn quan tâm