Phát biểu này được xem là sự bác bỏ những nỗ lực của Washington nhằm gây sức ép trực tiếp đòi Tokyo mở cửa những lĩnh vực được bảo hộ chặt chẽ như nông nghiệp.
Theo hãng tin Reuters, ông Aso - người đứng đầu phái đoàn Nhật Bản trong khuôn khổ đối thoại song phương mới về kinh tế Nhật-Mỹ - nói rằng trong TPP, Nhật Bản có thể nhượng bộ nhiều hơn các yêu cầu của Mỹ, bởi Nhật có thể bù đắp cho những thiệt hại đó thông qua thỏa thuận với các quốc gia khác.
“Trong một thỏa thuận song phương thì không thể như vậy. Không thể bù đắp lại những thiệt hại do nhượng bộ với Mỹ”, ông Aso nói tại một buổi hội thảo ở Đại học Columbia ngày 19/4.
"Tuyên bố của Phó thủ tướng Nhật cho thấy Tokyo không muốn có một FTA song phương với Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ TPP - thỏa thuận được thúc đẩy bởi người tiền nhiệm của ông Trump là ông Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhật Bản lo ngại một thỏa thuận song phương sẽ khiến nước này phải đối mặt với sức ép lớn từ Mỹ về mở cửa những thị trường có độ nhạy cảm cao về chính trị ở Nhật như nông sản và thịt bò.
Sau vòng đàm phán đầu tiên ở Tokyo vào hôm thứ Ba tuần này, Nhật và Mỹ vẫn còn bất đồng về làm thế nào để thiết lập khuôn khổ cho cuộc đối thoại kinh tế song phương.
Chính quyền Trump đã phát tín hiệu về việc sẽ thông qua kênh đối thoại này thúc đẩy một thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Nhật. Trong khi đó, Nhật muốn mở rộng chương trình nghị sự của kênh đối thoại sang những vấn đề ít gai góc hơn như đầu tư cơ sở hạ tầng.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, nói Chính phủ nước này hy vọng cuộc đối thoại song phương có thể dẫn tới những cuộc đàm phán tương lai về một FTA giữa hai nước.
Gần đây, một số chuyên gia đã đề cập tới khả năng ông Trump đảo ngược quyết định về rút Mỹ khỏi FTA. Cơ sở cho nhận định này là tân Tổng thống Mỹ đã thay đổi lập trường về một loạt vấn đề trong thời gian gần đây, từ vai trò của NATO cho tới chính sách tỷ giá của Trung Quốc.
“Ai mà nghĩ được là ông Trump sẽ để Trung Quốc, một nước đối thủ, thoát khỏi các mác thao túng tỷ giá? Nếu ông ấy có thể làm điều đó với một quốc gia rõ ràng không phải là bạn bè của Mỹ, thì ông ấy hoàn toàn có thể đảo ngược quyết định về TPP vì một nước bạn bè như Nhật Bản”, ông Sean King, Phó chủ tịch cấp cao của Park Strategies, nói với CNBC ngày 18/4.
Nhật Bản được dự báo sẽ là một nước hưởng lợi chính trong TPP nếu hiệp định này được thực thi, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô của Nhật sẽ được tiếp cận thị trường Mỹ với cánh cửa rộng mở.
Từ lâu đã nói rằng TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có Mỹ, Tokyo quyết định tiếp tục thúc đẩy TPP với 10 quốc gia thành viên còn lại, bao gồm Việt Nam, nhưng nhiều người lo ngại liệu TPP có còn là một thỏa thuận mang tính thay đổi cuộc chơi nếu vắng mặt Mỹ.
Ông King nói ông Trump vẫn còn thời gian để thay đổi quan điểm về TPP, nhấn mạnh rằng nội dung thỏa thuận TPP hiện nay có giá trị cho tới tháng 2/2018.
Theo Thăng Điệp/Vneconmy.vn