Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư FDI mới vào Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,1%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 26,3%)...

Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư FDI mới vào Việt Nam

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo nhanh tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 5 tháng đầu năm 2024

Theo số liệu từ báo cáo, tính đến 20/5/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư. Cụ thể, vốn đăng ký mới có 1.227 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 50,8% so với cùng kỳ.

Vốn điều chỉnh có 440 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 2,08 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Về góp vốn, mua cổ phần, có 1.158 lượt của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 9,4% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt hơn 1,05 tỷ USD, giảm 68,2% so với cùng kỳ.

anh-chup-man-hinh-2024-05-27-luc-104951-1278.png

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 7,43 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 514,2 triệu USD và gần 342,2 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,9%) và điều chỉnh vốn (chiếm 62,3%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần cao nhất (chiếm 43,4%).

Đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,25 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023. Hồng Kông đứng thứ hai với gần 1,45 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, gấp hơn hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.

Đầu tư của Singapore và Hồng Kông chủ yếu là đầu tư mới, chiếm lần lượt 99% và 66,1% tổng vốn đầu tư của Singapore và Hồng Kông trong 5 tháng. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, …

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,1%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 26,3%).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 47 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2024. Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Hà Nội với gần 1,14 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 39% so với cùng kỳ năm 2023. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,06 tỷ USD, chiếm gần 9,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh,…

Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 37,8%), điều chỉnh vốn (chiếm 16,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 71,1%).

Theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài, tháng 5/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm lớn nhất trong các tháng đầu năm 2024, gấp 2,8 lần tháng 4/2024, tăng 72% so với tháng 3. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 5 tháng đầu năm tuy vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2023, song mức giảm đã được cải thiện dần, tăng 16,9 điểm phần trăm so với 4 tháng năm 2024.

Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,7% số dự án mới và 75,2% số vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.

Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 5 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ Châu Á. Riêng 5 nước dẫn đầu (Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) đã chiếm tới 73% số dự án đầu tư mới và 73,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Tính lũy kế đến ngày 20/5/2024, cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Đến nay, hiện có 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn gần 87,2 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 77,9 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.

Xét theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP.HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 57,8 tỷ USD (chiếm 12% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Hà Nội với hơn 43,4 tỷ USD (chiếm 9% tổng vốn đầu tư); Bình Dương với hơn 40,7 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 42 dự án đầu tư mới và 10 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 136,07 triệu USD (bằng 43% so với cùng kỳ).

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 43,1% vốn), công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 23,9% vốn); bán buôn, bán lẻ (chiếm 8,3% vốn). Còn lại là các ngành khác.

Có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hà Lan (40,1%); Lào (36,8%); Hoa Kỳ (5,6%); New Zealand (4,3%)…

Lũy kế đến 20/5/2024, Việt Nam đã có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,25 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,1%); Venezuela (8,2%);…

Về tình hình xuất khẩu, xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt hơn 112,88 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, chiếm 72,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 111,83 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, chiếm 71,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ngược lại, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 99,31 tỷ USD, tăng 14,3% so cùng kỳ và chiếm 63,1% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 19,57 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 18,52 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 11,05 tỷ USD.

Xem thêm

Vốn FDI 4 tháng đầu năm vào Việt Nam đạt 9,27 tỷ USD

Vốn FDI 4 tháng đầu năm vào Việt Nam đạt 9,27 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước...

Có thể bạn quan tâm

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Năm 2024 thực sự là một năm bội thu đối với cổ đông Masan Consumer với những bước tiến vượt bậc, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng mà còn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các nhà đầu tư...

GS.TS. Phạm Hùng Việt giới thiệu công trình nghiên cứu khoa học công nghệ về giá trị khoa học và tính ưu việt của các bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc

Cần sự chung tay nhiều bên để tài sản trí tuệ đi vào cuộc sống

“Chuyển giao tri thức và thương mại hóa tài sản trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của chúng ta trong việc tạo ra giá trị bền vững từ tri thức. Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên, từ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đến các nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ”...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công vừa qua gặp nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề vật liệu thông thường phục vụ cho thi công các công trình lớn. Thứ trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn...