TS. Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam gỡ khó cho bất động sản dễ dàng hơn Trung Quốc

Hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, để tháo gỡ thị trường này có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu và áp dụng chính sách giải cứu bất động sản của Trung Quốc…
bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Trao đổi về ý kiến trên tại hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - thúc đẩy tăng trưởng" do báo Đầu tư tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, ông muốn nhấn mạnh thị trường bất động sản của Việt Nam rất khác với thị trường bất động sản của Trung Quốc. 

Bất động sản của Việt Nam đang là một thị trường thiếu nguồn cung, trong khi nhu cầu lớn kể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, việc cấp phép và thực hiện các dự án giảm mạnh, nhất là 2 năm gần đây gần như không có dự án mới ra hàng, dẫn đến nguồn cung bất động sản nhà ở ngày càng khan hiếm. 

Nếu thủ tục pháp lý tốt, dự án có nguồn lực với mức giá hợp lý thì nhu cầu tiêu thụ sẽ rất lớn. Ví dụ căn hộ khoảng 25-30 triệu đồng/m2 trở xuống được vay 60-70% thì rất nhiều người muốn mua. Hay nói cách khác, cho dù thị trường có thể thiết lập mặt bằng giá mới, xu hướng mặt bằng giá sẽ tiếp tục tăng và các nhà hoạch định chính sách mong là tăng ổn định, lành mạnh và chấp nhận được”, ông Nghĩa cho biết.

Hơn thế, mặt bằng giá mới này sẽ cấu trúc lại thị trường bất động sản một cách hiệu quả nhất và lúc đó, doanh nghiệp nào, nhà đầu tư nào chịu được mặt bằng giá này thì tồn tại, còn không chịu được thì tự phải tái cấu trúc tập đoàn của mình theo nguyên tắc thị trường.

Chính vì thế, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định cơ hội giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam là dễ dàng hơn so với Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc sau khi giải quyết được 3 vấn đề là thủ tục pháp lý, hệ thống ngân hàng cho vay 1.300 tỷ USD tín dụng đặc biệt để các doanh nghiệp khỏe mạnh mua lại dự án bất động sản của các doanh nghiệp yếu và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, nhưng cuối cùng, gặp phải trở ngại lớn khác là người dân không có nhu cầu.

Bên cạnh đó, cơ quan giám sát tài chính Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch 16 điểm nhằm tiếp sức cho thị trường bất động sản, trong đó là một gói tín dụng bổ sung cho gói tín dụng đặc biệt nhằm giải cứu các doanh nghiệp… đã đi giải cứu. Diễn biến thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn rơi vào tình trạng khó khăn, đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Đặc biệt trong quá trình gỡ khó, Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên vốn tín dụng ngân hàng để phục hồi, phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đây là tư tưởng chỉ đạo rất sắc sảo, phù hợp với thực tiễn hiện tại của thị trường bất động sản Việt Nam. Đó là ngân sách của Nhà nước không đủ để tài trợ cho tất cả các phân khúc và càng không thể nào tài trợ cho các doanh nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ không lôi kéo các ngân hàng thương mại vào một thị trường có những rủi ro nhất định, cần một lá chắn cho hệ thống ngân hàng vì đây là huyết mạch của nền kinh tế và lòng tin của người gửi tiền có vai trò quyết định tới sự tồn tại và phát triển của kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

“Với phương hướng tái cấu trúc thị trường bất động sản như trên, việc giải quyết vấn đề dòng vốn cho thị trường bất động sản phải tập trung ưu tiên vốn tín dụng ngân hàng để phục hồi và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây là ưu tiên quan trọng nhất, tạo ra một tái cấu trúc phân khúc quyết định nhất”, ông Nghĩa chia sẻ. 

Nhìn thực tế thị trường hiện tại, phân khúc cần nguồn cung rất lớn lại không có là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội do không có cơ chế, đất đai, dòng vốn. Vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo, tập trung toàn bộ nguồn lực để phục hồi và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội bao gồm 3 nguồn lực cơ bản là thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn.

TS. Nghĩa tin rằng, khi tập trung nguồn lực vào phân khúc này sẽ tạo ra một mặt bằng giá bất động sản mới và giúp thị trường bất động sản khôi phục, phát triển mạnh trở lại.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…