Cổ phiếu của Tân Tạo đã bị ngừng giao dịch ký quỹ và vẫn đang thuộc diện "cổ phiếu thuộc diện cảnh báo" của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE). Tân Tạo vốn có quan hệ "chị em" thân thiết với Kinh Bắc.
Hai doanh nghiệp này cũng là "bộ đôi doanh nghiệp bất động sản được kỳ vọng nhiều nhất trên thị trường chứng khoán khoảng 10 năm trước. Với tình thế này, một câu hỏi đặt ra là: Liệu cổ phiếu ITA có nhận được sự hỗ trợ từ "doanh nghiệp em" để thoát khỏi trạng thái cảnh báo. Và liệu ở thời gian hiện tại, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm có đủ khả năng tài chính để hỗ trợ chị gái mình?
Nguy cơ rơi vào diện kiểm soát của cổ phiếu ITA vẫn thường trực
Lý do Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo là vì Tân Tạo đã vi phạm quy định trong tổ chức niêm yết về việc công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng một năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định. "Sắc lệnh" này của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM được ban hành ngay sau khi Tân Tạo vướng lùm xùm liên quan đến việc chuyển tiền tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn.
Đối với vấn đề này, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM đã phải 3 lần yêu cầu Tân Tạo gửi công văn giải trình. Đây cũng là nguyên nhân khiến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) phải đưa ra cảnh báo đưa cổ phiếu ITA vào diện kiểm soát nếu Tân Tạo tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Không chỉ bị nhắc nhở về việc công bố báo cáo tài chính bán niên 2022, Tân Tạo còn bị từng nhắc nhở công bố thông tin giao dịch với các bên liên quan tại Báo cáo tài chính quý II/2022 cũng như báo cáo thông tin về việc bổ nhiệm bà Phan Thị Hiệp giữ chức Phó Tổng Giám đốc.
Tính đến nay, trải qua khoảng gần 6 tháng cổ phiếu ở diện cảnh báo, Tân Tạo đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý II, bán niên sau kiểm toán, quý III, quý IV/2022 nhưng nguy cơ rơi vào diện kiểm soát của cổ phiếu ITA vẫn hiện hữu.
Theo quy định hiện hành, cổ phiếu sẽ vào diện kiểm soát nếu rơi vào một trong các trường hợp: vốn điều lệ đã góp của tổ chức có cổ phiếu, trái phiếu niêm yết giảm xuống dưới 120 tỷ đồng (tính theo giá trị ghi trên báo cáo tài chính kỳ kế tiếp); lợi nhuận sau thuế của công ty là số âm (theo báo cáo tài chính kiểm toán năm kế tiếp); lỗ lũy kế của tổ chức vượt quá vốn điều lệ thực góp (tại báo cáo tài chính bán niên soát xét gần nhất); các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng từ 9 tháng trở lên. Điều quan trọng mang tính quyết định khác chính là: Nếu sở giao dịch chứng khoán xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thì cổ phiếu sẽ bị rơi vào diện kiểm soát.
Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 được soát xét bởi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phái Nam (AASCS), dù không trải qua kỳ kinh doanh quá tệ (lãi ròng của Tân Tạo vẫn là con số dương với hơn 129 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cùng kỳ) nhưng đơn vị kiểm toán có đưa ra cơ sở kết luận ngoại trừ.
Cụ thể, "Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác" tại ngày 30/6/2022 khoản uỷ thác đầu tư cho cá nhân bà Đặng Thị Hoàng Yến theo các Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông các năm 2019 đến năm 2021 của Tân Tạo; biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 1/8/2020 và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 1/8/2020 của Công ty Cổ phần Tân Đức (Công ty con của Tân Tạo) được Tân Tạo ghi nhận vào khoản Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác là “chưa phù hợp với quy định của Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, chưa có đầy đủ bằng chứng, chưa được bên nhận vốn đầu tư xác nhận”.
Bên cạnh đó, khoản chi uỷ thác đầu tư cho bà Yến phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2022 được chi bằng tiền mặt với số tiền hơn 223 tỷ đồng được đơn vị kiểm toán đánh giá là "không đủ cơ sở căn cứ kiểm chứng đối với các nghiệp vụ này".
Ngoài ra, quý IV/2022 là một quý kinh doanh khá thất vọng của Tân Tạo. Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của tập đoàn này, lợi nhuận thuần sau thuế ghi nhận con số âm hơn 329,8 tỷ đồng, lỗ luỹ kế gần 176,5 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Tân Tạo báo lỗ sau 2 thập kỷ hoạt động.
Chiếu theo các quy định hiện hành, về cơ bản, Tân Tạo đã không còn vi phạm những quy định khiến cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo nhưng đến bây giờ, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vẫn chưa có thông báo chính thức về việc đưa cổ phiếu ITA "thoát nạn".
Ý kiến của đơn vị kiểm toán về cơ sở kết luận ngoại trừ vẫn đang là một yếu tố có thể khiến Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM xét thấy là “nguy cơ” có thể ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư. Hệ luỵ từ lùm xùm về khoản tiền ứng trước cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thị Hoàng Yến vẫn còn đó.
"Lụt dòng tiền", Kinh Bắc khó có khả năng hỗ trợ" Tân Tạo
Thị trường bất động sản rơi vào trạng thái ảm đạm, phân khúc bất động sản công nghiệp mới có xu hướng hồi phục, Tân Tạo muốn có được báo cáo tài chính "đẹp" hơn của các kỳ tiếp theo thì cần có sự hỗ trợ tài chính từ đối tác. Và không đâu bằng "ngưởi nhà" Kinh Bắc nhưng...
Năm 2022, tình hình kinh doanh của Kinh Bắc cũng không khả quan hơn Tân Tạo. Trong quý IV/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu âm hơn 331 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt hơn 1.169 tỷ đồng. Với giá vốn bán hàng âm 39 tỷ đồng, Kinh Bắc ghi nhận lỗ gộp 292,3 tỷ đồng. Quý IV/2022, Kinh Bắc báo lỗ ròng 482,4 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, Kinh Bắc đạt tổng doanh thu 957,34 tỷ đồng, giảm đến 77% so với cùng kỳ 2021 và rơi về đáy sau gần một thập kỷ.
Theo giải trình biến động kết quả kinh doanh, Kinh Bắc cho biết, doanh thu năm 2022 bị ảnh hưởng nghiêm trọng do một số khoản tiền từ cho thuê đất khu công nghiệp chưa được ghi nhận (như 2.460 tỷ đồng tiền thuê đất tại Khu công nghiệp Quang Châu; 1.624 tỷ đồng tiền thuê 50ha đất của công ty trực thuộc Foxconn…). Chính ông Đặng Thành Tâm đã khẳng định, khoản tiền này chỉ được ghi nhận vào năm 2023 với lợi nhuận gộp lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. Như vậy, phải tới năm sau, dòng tiền của Kinh Bắc mới khả quan hơn.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Kinh Bắc trên 34.930 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận trên 17.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ vay chiếm hơn 7.600 tỷ đồng (tăng 8%). Năm 2022, Kinh Bắc phải đi vay hơn 1.600 tỷ đồng và trả nợ gốc vay hơn 1.400 tỷ đồng (năm 2021 đi vay hơn 4.640 tỷ đồng và trả nợ gốc vay hơn 3.300 tỷ đồng).
Với tình hình kinh doanh này, rất khó để Kinh Bắc và ông Đặng Thành Tâm có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư tháo gỡ nút thắt dòng tiền cho doanh nghiệp của chị gái mình.
Tính đến ngày 31/12/2022, Kinh Bắc đang sở hữu 311.177 cổ phiếu của Tân Tạo, không ghi nhận biến động tăng sở hữu so với năm 2021. Kinh Bắc cũng không phát sinh dòng tiền đầu tư neo vào Tân Tạo cũng như các công ty con của Tân Tạo. Và đến thời điểm này, ông Tâm cũng như Kinh Bắc vẫn chưa có động thái nào về việc nâng lượng cổ phần đang nắm giữ tại doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Theo báo cáo quản trị năm 2022 của Tân Tạo, bà Yến đang nắm giữ 5,79% cổ phần của Tân Tạo trong khi ông Tâm nắm giữ 3,1% cổ phần. Là thành viên Hội đồng quản trị của Tân Tạo nhưng lại không phải là cổ đông lớn, ông Tâm sẽ có nhiều hạn chế nhất định trong các quyết định của Hội đồng quản trị Tân Tạo.
Điều Tân Tạo cần trong thời điểm này chính là làm đẹp những số liệu trong báo cáo tài chính, ghi nhận được dòng tiền tăng trưởng ở bất kỳ khoản đầu tư nào để làm mờ đi những ấn tượng không đẹp về khoản tiền tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến. Nhưng đến thời điểm này, vẫn còn rất khó để nói bất cứ điều gì về khả năng giải cứu của Kinh Bắc đối với Tân Tạo.
Chỉ có một điều chắc chắn chính là thời hoàng kim của cổ phiếu của "bộ đôi nhà họ Đặng” khó tái diễn ở thời điểm này. Mặc dù, trong năm 2023, cổ phiếu KBC được Chứng khoán Agribank đánh giá khá khả quan khi có thể đạt mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu nhờ sự tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản công nghiệp, nhưng dự báo lạc quan về cổ phiếu ITA vẫn là con số 0.