Tỷ phú sáng lập hãng nội thất IKEA qua đời ở tuổi 91

Là nhà sáng lập hãng nội thất khổng lồ có mặt trên khắp thế giới, Ingvar Kamprad nổi tiếng với thói quen sống tiết kiệm...
Tỷ phú sáng lập hãng nội thất IKEA qua đời ở tuổi 91

Ingvar Kamprad - người đã biến IKEA từ một công ty đặt hàng qua thư quy mô nhỏ trở thành đế chế nội thất toàn cầu, vừa qua đời ở tuổi 91, IKEA cho biết ngày 28/1.

CNBC cho biết theo thông tin đăng tải trên Twitter của IKEA Sverige, Ingvar Kamprad qua đời tại nhà riêng ở Smaland, Thuỵ Điển vào ngày 27/1.

Cuộc đời Kamprad gắn liền với công ty mà ông thành lập năm 17 tuổi trên trang trại của gia đình. Văn hoá làm việc, thói quen tiết kiệm của ông vẫn luôn là nhân tố cốt lõi trong bản sắc của IKEA tới tận ngày nay.

Ingvar Kamprad đặt tên cho công ty bằng cách ghép các chữ cái đầu trong tên mình, tên trang trại của công ty - Elmtaryd, và Agunnaryd - nơi công ty ra đời. Nơi này là trung tâm của Smaland – một tỉnh rừng núi Thuỵ Điển mà người dân ở đây vốn nổi tiếng với sự khéo léo và lối sống tiết kiệm. Và Kamprad sở hữu cả hai điều đó.

Cuộc đời Kamprad sau đó gắn liền với các danh sách người giàu nhất thế giới, nhưng dường như ông chưa bao giờ sống cuộc sống hào quang của một tỷ phú.

Năm 1998, trong một cuốn sách do Kamprad đồng tác giả về lịch sử của IKEA, ông cho biết có thói quen ghé các chợ rau trên đường phố ngay trước giờ đóng cửa để có thể mua được hàng với giá rẻ hơn.

Sinh ngày 30/3/1926, Kamprad là một doanh nhân nhạy bén, bắt đầu bằng việc bán diêm cho hàng xóm bằng xe đạp. Ông nhận ra rằng có thể mua diêm số lượng lớn với giá rất rẻ từ Stockholm và sau đó đem bán lại với giá rẻ mà vẫn có lãi. Từ diêm, ông mở rộng sang bán cá, rồi đến đồ trang trí cây thông Noel, hạt giống và sau đó là bút bi, bút chì.

Sau đó, Kamprad nhanh chóng tiến xa hơn với việc bắt đầu quảng cáo trên báo chí địa phương và vận hành một danh mục đặt hàng qua thư. Ông đã phân phối các mặt hàng của mình qua xe tải giao sữa địa phương, chở tới các ga tàu gần nhất.

Năm 1950, Kamprad lần đầu tiên đưa nội thất vào danh mục hàng hoá của mình. Sau khi nhận được phản hồi tích cực, ông nhanh chóng đi đến quyết định dừng bán tất cả các sản phẩm khác và tập trung phân phối nội thất giá rẻ.

Từ đó, IKEA theo đuổi mô hình giá rẻ bằng cách để khách hàng tự lắp ráp các món đồ nội thất mua về và phân phối tại các cửa hàng trên khắp thế giới.

Cuối những năm 1970, Kamprad chuyển tới Thuỵ Sĩ để tránh phải trả thuế tại Thuỵ Điển – lúc đó đang ở mức cao nhất thế giới. Nhưng tới năm 2011, ông quyết định hồi hương sau cái chết của vợ Margaretha.

Theo hồ sơ kiểm kê tài sản gửi lên cơ quan thuế Thuỵ Điển vào năm 2013, hai vợ chồng Kamprad sống thoải mái nhưng không hề xa hoa. Họ có 2 ôtô - một chiếc Skoda đời 2008 và một chiếc Volvo 240 đời năm 1993.

Thống kê cho biết tài sản cá nhân của ông là khoảng 750 triệu Kronor (113 triệu USD) - một con số tương đối lớn nhưng còn cách xa con số đưa ông vào danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes và nhiều tổ chức xếp hạng khác.

Người phát ngôn của IKEA từng cho biết những danh sách xếp hạng tỷ phú đã so sánh tài sản của Kamprad với Warren Buffett hay Bill Gates bởi cách thống kê sai lầm, coi tài sản của IKEA là tài sản của nhà sáng lập.

IKEA thuộc sở hữu của tổ chức do ông Kamprad thành lập. Các điều khoản của tổ chức này quy định lợi nhuận tạo ra phải được tái đầu tư vào công ty hoặc quyên góp từ thiện.

Theo hồ sơ kiểm kê trên, chỉ trong năm 2012, Kamprad đã quyên góp hơn 20 triệu USD cho các tổ chức từ thiện. Tháng 6/2013, ông tuyên bố rút khỏi hội đồng quản trị tổ chức, đây là một phần trong kế hoạch chuyển giao trách nhiệm sang cho con trai Mathias.

Từ 2005 - 2010, Kamprad lọt vào danh sách 10 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes với tài sản ước tính 28 tỷ USD, chủ yếu dựa trên giá trị của IKEA. Ông đã hai lần giữ vị trí thứ 4 trong danh sách này.

Theo Forbes, tài sản của tỷ phú 91 tuổi có thể sẽ còn cao hơn nữa nếu như ông không phủ nhận việc sở hữu hãng nội thất khổng lồ. Nhưng tài sản bên ngoài IKEA vẫn còn thể đưa Kamprad lên hàng tỷ phú thế giới, Forbes nhận định. Những tài sản này của ông đã được chuyển sang cho các con trai Peter, Mathias và Jonas.

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk hứa giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm 1,3 nghìn tỷ USD

Elon Musk hứa giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm 1,3 nghìn tỷ USD

Tỷ phú Elon Musk, người dẫn đầu nỗ lực cắt giảm chi tiêu liên bang của chính quyền Donald Trump, đã đặt mục tiêu tiết kiệm hơn 1.000 tỷ USD cho chính phủ trong vòng 130 ngày, dù cho kế hoạch này đối mặt với nhiều thách thức pháp lý và phản ứng trái chiều…

Mỹ giáng thuế 25% đối với ô tô không “Made in USA”

Mỹ giáng thuế 25% đối với ô tô không “Made in USA”

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ rúng động trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế 25% đối với tất cả xe hơi và linh kiện ô tô nhập khẩu. Quyết định này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại và tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu…

CEO Samsung Han Jong-hee đột ngột qua đời

CEO Samsung Han Jong-hee đột ngột qua đời

Phó Chủ tịch kiêm CEO Samsung Electronics Han Jong-hee, người đã có công dẫn dắt tập đoàn đạt được nhiều đột phá công nghệ và giữ vững vị thế toàn cầu, vừa qua đời ở tuổi 63…

Tháng hạn của các “ông lớn” công nghệ Tesla, Nvidia, Apple, Amazon

Tháng hạn của các “ông lớn” công nghệ Tesla, Nvidia, Apple, Amazon

Năm 2025 mới chỉ bắt đầu được 3 tháng nhưng đã là quãng thời gian đầy khó khăn cho "Magnificent Seven”, nhóm cổ phiếu công nghệ hàng đầu Phố Wall. Tesla, Nvidia, Apple và Amazon đều chứng kiến vốn hoá bốc hơi hàng trăm tỷ USD, báo hiệu một năm đầy biến động phía trước…

Nông dân Mỹ "oằn mình" vì gánh nặng từ thuế quan

Nông dân Mỹ "oằn mình" vì gánh nặng từ thuế quan

Người nông dân Mỹ có thể chịu thêm nhiều tổn thất do chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, với gần một nửa số người tham gia khảo sát của Purdue University/CME Group tin rằng cuộc chiến thương mại sẽ khiến xuất khẩu nông sản Mỹ sụt giảm mạnh...