Việt Nam và Đông Nam Á trước ngưỡng cửa “chưa giàu đã già”

Dân số già ngày càng tăng đang đặt ra những thách thức to lớn cho các quốc gia châu Á. Tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ trung bình tăng và cùng sự thiếu hụt trong các chính sách hỗ trợ người cao tuổi khiến nhiều người phải đối mặt với khó khăn, cô đơn và thiếu thốn…

test-header-img-adpr2024-tint-0-727.jpg

Trong một báo cáo toàn diện của ngân hàng ADB với tựa đề "Asian Development Policy Report: Aging Well in Asia" cho thấy, sự thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học - đặc biệt là tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng - sẽ là yếu tố định hình lại định hướng kinh tế của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Khi đó, lợi thế nhân khẩu học trước đây từng giúp thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, có khả năng đảo ngược trong tương lai.

Juzhong Zhuang, Phó Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhấn mạnh: “Dân số châu Á đang già đi nhanh chóng". Dân số cao tuổi ở châu Á được dự đoán sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ người vào giữa thế kỷ này, đồng nghĩa với việc châu Á đang trên đà trở thành một trong những khu vực có dân số già nhất trên thế giới.

Các ý kiến cũng đã chỉ ra rằng nhiều chính phủ, cụ thể là ở khu vực Đông Nam Á, nhìn chung vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho xu hướng thay đổi đáng chú ý này.

NỖI LO VỀ SỨC KHOẺ, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

Dự kiến đến năm 2050, cứ 4 người dân ở châu Á - Thái Bình Dương thì có 1 người trên 60 tuổi. Số người cao tuổi trong khu vực này sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2010 - 2050, lên gần 1,3 tỷ người.

adb-infographic-aging-asia-rapid-age-bullets1-3547.jpg
Các số liệu cho thấy thực trạng già hoá dân số tại Châu Á (Nguồn: ADB)

Sự thay đổi này sẽ diễn ra rất nhanh chóng ở một số quốc gia như Trung Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, trong khi một số quốc gia khác như Indonesia thì diễn ra chậm hơn nhưng cuối cùng vẫn sẽ có số lượng người cao tuổi rất lớn.

Việt Nam cũng hiện là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Vào năm 2019, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 11,9% tổng dân số; và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Tới năm 2036, Việt Nam có khả năng bước vào thời kỳ dân số già. Diễn biến này xảy ra ở Việt Nam không chỉ do tuổi thọ tăng mà phần lớn là vì tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tỷ lệ sinh trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

aging-photo-5671.jpg
Dân số cao tuổi tại Châu Á ước tính sẽ chạm mốc 1,3 tỷ người vào năm 2050

Những thách thức về sức khỏe thể chất và tinh thần cũng tăng theo tuổi tác. Khoảng 60% người cao tuổi ở Châu Á - Thái Bình Dương không đi khám hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong khi 31% cho biết có các triệu chứng trầm cảm do bệnh tật, sự cô lập với xã hội và tình trạng bất an về kinh tế. Phụ nữ lớn tuổi trong khu vực cũng có nguy cơ mắc bệnh tật cao hơn nam giới, từ trầm cảm đến tiểu đường và huyết áp cao.

Không chỉ vậy, có 40% người trên 60 tuổi ở Châu Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận với bất kỳ hình thức lương hưu nào - trong đó phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn đàn ông vì họ thường làm công việc gia đình và không được trả lương. Kết quả là, nhiều người cao tuổi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm việc nhiều việc bên ngoài để kiếm sống dù đã đến tuổi nghỉ hưu. Trong số những người vẫn làm việc ở độ tuổi 65 trở lên, 94% làm việc trong khu vực phi chính thức, thường không cung cấp các biện pháp bảo vệ lao động cơ bản hoặc trợ cấp lương hưu.

BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết: “Sự phát triển nhanh chóng của Châu Á là một câu chuyện thành công, nhưng nó cũng thúc đẩy một sự thay đổi lớn về nhân khẩu học và áp lực đang gia tăng”.

screenshot-2024-07-17-at-143302-7365.png
Thực trạng già hoá dân số đang thay đổi nhanh chóng tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á

Trong khi đó, bà Aiko Kikkawa, nhà kinh tế cấp cao của ADB và là một trong những tác giả của báo cáo có chia sẻ rằng tình hình dân số già hóa ở một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng so với các quốc gia khác.

Ở góc nhìn cụ thể hơn, Việt Nam hiện tồn tại hai thực trạng về dân số, vừa trong giai đoạn dân số vàng, vừa đang trong quá trình già hóa dân số. Do đó, đây là thời điểm tốt để Việt Nam có những chính sách hợp lý nhằm kéo dài giai đoạn dân số vàng và ứng phó với xu hướng già hóa dân số. Theo đó, việc tận dụng được lực lượng lao động lớn tuổi có năng lực sẽ giúp thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng khoảng 1,1%, cao hơn mức trung bình của khu vực là 0,9%.

Bà Kikkawa kêu gọi các chính phủ châu Á cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả và tránh một số thách thức liên quan đến một xã hội già hóa. Nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư vào y tế, giáo dục, kỹ năng và chuẩn bị tài chính cho việc nghỉ hưu. Bên cạnh đó, các mối quan hệ gia đình và xã hội cũng rất quan trọng để thúc đẩy dân số người già khỏe mạnh và có năng suất, đồng thời tối đa hóa sự đóng góp của họ cho xã hội.

Báo cáo của ADB cũng đề xuất một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ quá trình già hóa lành mạnh và an toàn về mặt kinh tế. Trong số này có các chương trình bảo hiểm và lương hưu được chính phủ hỗ trợ, cơ sở hạ tầng y tế được cải thiện, kiểm tra sức khỏe và đánh giá lối sống miễn phí hàng năm.

346927-4838874692537763-age-4316.jpg

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách nên hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong khi các biện pháp bảo vệ lao động cơ bản nên được mở rộng cho những người lao động lớn tuổi.

Ngoài ra, thông qua việc điều chỉnh quy định độ tuổi nghỉ hưu linh hoạt hơn, giúp người lớn tuổi khỏe mạnh và cung cấp cho họ cơ hội làm việc phù hợp cũng như phát triển kỹ năng, các nền kinh tế trong khu vực hoàn toàn có thể khai thác năng suất và chuyên môn của người lao động trong thời gian dài hơn và hiệu quả hơn.

Các nhà kinh tế của ADB cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc kết nối với giới trẻ hiện nay và khuyến khích họ quan tâm đến sức khoẻ, sự nghiệp và kế hoạch hưu trí. Những biện pháp chủ động sẽ giúp đảm bảo thế hệ trẻ được chuẩn bị đầy đủ cho tương lai.

“Đừng nên xem già hoá dân số là gánh nặng của chính phủ và đất nước. Các quốc gia có thể hưởng lợi đáng kể từ “nền kinh tế bạc” nếu có những chiến lược đúng đắn và kịp thời”, nhà kinh tế Albert Park của ngân hàng ADB nhận xét.

Xem thêm

Trung Quốc “loay hoay” cải thiện tình trạng già hoá dân số

Trung Quốc “loay hoay” cải thiện tình trạng già hoá dân số

Trung Quốc sẽ ban hành các chính sách để thúc đẩy tỷ lệ sinh, vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng sự sụt giảm dân số sắp xảy ra của Trung Quốc có thể gây tổn hại sâu sắc cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…