Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo triển vọng ngành dược với điểm nhấn ngành dược phẩm Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2020 – 2023. Tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn bùng phát của dịch COVID – 19, khi người dân chi tiêu nhiều hơn cho các nhóm sản phẩm về hô hấp và miễn dịch.
Trong năm 2023, đà tăng trưởng có sự chậm lại khi dịch bệnh đi qua, quy mô toàn ngành đạt 8,5 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, theo IQVIA.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng sau giai đoạn biến động, ngành dược sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Cụ thể, VDSC lấy dẫn chứng của IQVIA, tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng kép từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2027.
Sau giai đoạn biến động mạnh do đại dịch gây ra từ năm 2020 – 2022, tốc độ tăng trưởng nhìn chung sẽ chững lại và quay trở lại quỹ đạo ổn định kể từ năm 2024. Tuy nhiên, các khu vực trên thế giới đang phát triển theo các xu hướng khác nhau. Tại quốc gia đã phát triển như Mỹ, quy mô thị trường tại đây gần như đi ngang với dự báo tăng trưởng kép chỉ từ 1% - 2%, do tác động của việc hết hạn bằng sáng chế dẫn đến sự cạnh tranh giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc tương đương sinh học.
Trong khi đó, các quốc gia tại khu vực đang phát triển như Nam Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ), Trung Đông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh, bởi xu hướng già hóa dân số và sự chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc đắt tiền khi thu nhập tăng lên.
Không đứng ngoài xu hướng phát triển chung của cả khu vực, VDSC cho rằng ngành dược Việt Nam đang được hưởng lợi trong dài hạn bởi sự già hóa dân số và chi tiêu của người dân dành cho dược phẩm ngày càng tăng lên.
Theo Tổng cục thống kê, số người trên 60 tuổi đạt khoảng 13 triệu người, tương đương với 13,17% tổng dân số Việt Nam vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050.
Cùng với đó, Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Trong môi trường chính sách thuận lợi, VDSC cho rằng kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024. Mặc dù giá trị trúng thầu trong hai tháng đầu năm chỉ đạt 10.500 tỷ đồng, giảm 28% do mức nền cao của cùng kỳ.
Tuy nhiên, sự sụt giảm chủ yếu đến từ thuốc biệt dược gốc với giá trị là 671 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ, vốn là nhóm thuốc được nhập khẩu từ nước ngoài.
Mặt khác, kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7% so với cùng kỳ nhờ hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ và hơn 62.000 nhà thuốc truyền thống, và thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân.