VinFast mới đây đưa ra thông báo thay đổi mô hình phân phối quen thuộc, vốn tương đồng với phương pháp tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng của Tesla.
Giờ đây, VinFast muốn phân phối xe thông qua cả các đại lý ô tô. Công ty đã vận chuyển gần 3.000 xe đến Bắc Mỹ kể từ cuối năm ngoái.
Ngày 15/8 vừa qua, VinFast đã chính thức lên sàn chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu VinFast có thời điểm bật tăng, nâng giá trị vốn hoá thị trường của công ty lên 85 tỷ USD - cao hơn cả Ford hay General Motors. Tuy nhiên đến nay, cổ phiếu của VinFast đã hạ nhiệt, giảm 17,2% xuống còn 24,92 USD/cổ phiếu vào giữa trưa ngày 17/8 (theo giờ địa phương).
Khi tăng cường sự hiện diện ở thị trường quốc tế, VinFast phải đối mặt với những bài toán khó khăn. “Mở được những showroom riêng là điều tuyệt vời nhưng mất rất nhiều thời gian. Hợp lực với các đối tác khác để tiến nhanh hơn luôn là bản chất trong cách thức làm việc của chúng tôi”, CEO Lê Thị Thu Thủy nói với phóng viên Reuters.
Một số đại lý ở Mỹ được Reuters liên hệ cho biết họ sẵn sàng đón nhận ý tưởng này, nhưng cần biết thêm chi tiết về kế hoạch của VinFast, bao gồm chiến lược bán hàng, yêu cầu đối với đại lý, kế hoạch phân phối phụ tùng của công ty và bảo hành xe.
Ông Scott Fink, Giám đốc điều hành của Fink Automotive Group, công ty sở hữu showroom bán xe Volkswagen và Subaru tại Mỹ, cho biết: “Chúng tôi cần nhận được thông tin và cam kết trước khi đưa ra quyết định hợp tác với các thương hiệu. Bởi đại lý cũng cần quan tâm đến danh tiếng của chính họ”.
Andrew DiFeo, trưởng đại lý tại Hyundai ở Florida (Mỹ) nhấn mạnh: "Điều đầu tiên mỗi đại lý phải xem xét là liệu bạn có còn tồn tại trong vòng 5 năm nữa không? Đó là một mối quan tâm lớn".
Một số đại lý khác cho biết VinFast có thể cần phải cam kết mức lợi nhuận hấp dẫn cho các đại lý để giải quyết rủi ro gia tăng. Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô cũng cần cung cấp các mức bảo hành hàng đầu cho các phương tiện của mình để có được sự tin tưởng và uy tín với người mua.
Theo Giám đốc điều hành của tập đoàn ô tô Ricart tại Ohio (Mỹ) Rhett Ricart, nhiều người đang đánh giá cao việc VinFast xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Các đại lý cũng khẳng định việc tên tuổi chưa quá phổ biến không phải là yếu tố cản trở lớn vì bản thân Toyota, Honda và Hyundai đều bắt đầu với quy mô nhỏ và phát triển thành công. “Nếu đó là một sản phẩm tốt và được bảo hành tốt, người Mỹ sẽ mua nó”, ông Ricart nói thêm.
“Điều quan trọng, các đại lý luôn tìm kiếm những cơ hội độc nhất”, ông Beau Boeckmann, chủ tịch của Galpin Motors chia sẻ. Ông Boeckmann, người đã đến thăm nhà máy của VinFast tại Việt Nam vào năm ngoái và gặp CEO Lê Thị Thu Thuỷ, vẫn hoàn toàn cởi mở với cơ hội mới này. “Các đại lý là những người kinh doanh và họ là những người biết chấp nhận rủi ro. Hãy tìm cách thuyết phục những người bán hàng này”, ông Boeckmann nhấn mạnh.