Chỉ một thông báo mời nghệ sĩ quốc tế biểu diễn, mã cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng đã tăng mạnh, đẩy vốn hóa ngân hàng này lên hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng ẩn sau cú nhảy thị giá ấy là bức tranh tài chính ngày càng vững chắc, cùng tham vọng lớn với hệ sinh thái ngân hàng đa dạng và mở rộng.
Ngày 12/5/2025, thông tin ngân hàng VPBank sẽ mời G-Dragon nghệ sĩ đình đám Hàn Quốc, cùng cựu trưởng nhóm 2NE1 CL về Việt Nam biểu diễn ngay lập tức tạo sóng trong cộng đồng yêu nhạc lẫn giới đầu tư. Trái ngược với việc tưởng chỉ là chiêu PR thông thường, diễn biến trên thị trường chứng khoán lại chứng minh một điều ngược lại nhà đầu tư đã phản ứng cực kỳ tích cực với chiến lược truyền thông đầy khác biệt của VPBank.
Tính đến 11h ngày 23/5, cổ phiếu VPB đang giao dịch ở mức 18.200 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 0,55% trong phiên nhưng vẫn tăng tổng cộng 4,9% so với ngày 12/5, thời điểm phát đi thông tin mời G-Dragon về Việt Nam. Đáng chú ý nhất là phiên giao dịch ngày 14/5, cổ phiếu VPB bật tăng mạnh tới 6,78%, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 4.
Tổng khối lượng giao dịch từ 12/5 đến nay vượt 520 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 9.500 tỷ đồng, và vốn hóa thị trường của VPBank đã tăng thêm hơn 7.400 tỷ đồng chỉ trong vòng hơn 10 ngày. Hiệu ứng truyền thông từ sự kiện văn hóa kết hợp với thương hiệu ngân hàng không chỉ lan tỏa hình ảnh, mà còn thổi luồng gió mới vào kỳ vọng tăng trưởng từ nhà đầu tư.

Không chỉ “ăn điểm” nhờ truyền thông, VPBank đang thể hiện rõ thực lực của mình bằng loạt chỉ số tài chính ấn tượng. Kết thúc quý 1/2025, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 994.000 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị thế trong nhóm dẫn đầu các ngân hàng thương mại tư nhân tại Việt Nam.
Tín dụng, trụ cột tăng trưởng chính đang tăng tốc mạnh mẽ. Tính đến cuối tháng 3, quy mô tín dụng hợp nhất của VPBank vượt mốc 747.000 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm và 21,9% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 663.000 tỷ đồng, tăng 5,4%, vượt xa mức tăng trung bình ngành (3,93%).
Ngân hàng cũng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu (NPL) dưới 3%, đảm bảo an toàn vốn (CAR) hợp nhất ở mức khoảng 15%, nằm trong nhóm dẫn đầu toàn hệ thống. Tỷ lệ LDR đạt 79,2%, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 24,3%, đảm bảo tuân thủ yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước.
Chi phí vốn (COF) của ngân hàng riêng lẻ duy trì ổn định ở mức 4,4%, trong khi nguồn huy động vẫn dồi dào. Đáng chú ý, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất trong 3 tháng đầu năm đạt gần 15.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16,1%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, tăng 20%, bám sát kế hoạch kinh doanh năm nay.
Dưới đà tăng trưởng ấn tượng của quý đầu năm, VPBank đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2025. Ngân hàng dự kiến tổng tài sản hợp nhất sẽ đạt mốc 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm trước. Đồng thời, ngân hàng cũng hướng đến tăng trưởng 34% đối với tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá, 25% với dư nợ tín dụng hợp nhất và 26% về lợi nhuận trước thuế.
Cụ thể hơn, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ được kỳ vọng đạt 22.219 tỷ đồng (tăng 22%), trong khi các công ty thành viên như FE Credit, VPBankS và OPES lần lượt đặt mục tiêu lợi nhuận tăng vọt 120%, 64% và 34%. Với định hướng phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện, VPBank không chỉ theo đuổi tốc độ tăng trưởng 26% trong năm 2025 mà còn duy trì tham vọng tăng trưởng lên tới 30% cho các năm tiếp theo.