Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố một sáng kiến toàn cầu mới mang tên “3 by 35”, kêu gọi các quốc gia áp dụng thuế y tế để tăng ít nhất 50% giá thành của ba nhóm sản phẩm bao gồm thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường vào năm 2035. Đây là động thái mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của WHO nhằm khuyến khích sử dụng thuế như một công cụ để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng và đồng thời tăng cường nguồn thu ngân sách cho y tế và phát triển.
Sáng kiến được dẫn dắt bởi WHO, với sự tham gia của nhiều đối tác toàn cầu, bao gồm Bloomberg Philanthropies, Ngân hàng Thế giới (World Bank), và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Các tổ chức này cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách và kinh nghiệm thực tiễn nhằm giúp các quốc gia thực hiện thuế y tế hiệu quả, đồng thời tăng cường nhận thức về lợi ích mà chính sách này mang lại.
Sáng kiến được công bố trong bối cảnh hệ thống y tế toàn cầu đang chịu sức ép nặng nề từ sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (NCDs), nguồn viện trợ phát triển suy giảm và gánh nặng nợ công ngày càng lớn.
Việc tiêu thụ thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường là nguyên nhân chính dẫn đến “đại dịch NCDs”, với các bệnh như tim mạch, ung thư và tiểu đường hiện đang chiếm hơn 75% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Một báo cáo gần đây cho thấy, chỉ cần tăng giá các sản phẩm này thêm 50% một lần duy nhất cũng có thể ngăn chặn khoảng 50 triệu ca tử vong sớm trong vòng 50 năm tới.
"Thuế y tế là một trong những công cụ hiệu quả nhất mà chúng ta có. Chúng giúp giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại, đồng thời tạo nguồn thu để chính phủ tái đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục và an sinh xã hội. Đã đến lúc phải hành động”, Tiến sĩ Jeremy Farrar, Phó Tổng Giám đốc WHO phụ trách thúc đẩy sức khỏe và kiểm soát phòng ngừa bệnh tật nhấn mạnh.
Mục tiêu đầy tham vọng nhưng có khả thi của sáng kiến là huy động 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Thực tế cho thấy, từ năm 2012 đến 2022, gần 140 quốc gia đã tăng thuế thuốc lá, góp phần làm giá thực tế tăng trung bình trên 50%, minh chứng cho khả năng triển khai thay đổi quy mô lớn.
Tại nhiều quốc gia như Colombia hay Nam Phi, việc áp dụng thuế y tế đã giúp giảm tiêu dùng các sản phẩm gây hại và đồng thời tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn đang duy trì các ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là thuốc lá. Thậm chí, một số quốc gia còn ký kết các thỏa thuận đầu tư dài hạn với các doanh nghiệp, giới hạn khả năng tăng thuế thuốc lá, qua đó gây trở ngại cho mục tiêu y tế quốc gia. WHO khuyến nghị các chính phủ rà soát và loại bỏ các miễn trừ như vậy để tăng cường kiểm soát thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chuyên gia kinh tế y tế của WHO - ông Guillermo Sandoval - cũng cho biết WHO đang xem xét khả năng mở rộng khuyến nghị thuế đối với các loại thực phẩm siêu chế biến, sau khi cơ quan này hoàn tất định nghĩa chính thức về nhóm thực phẩm này trong thời gian tới, dù thừa nhận có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành công nghiệp liên quan.