Xe điện và cuộc cải tổ định nghĩa siêu xe

Nếu trước kia, siêu xe đi kèm với những tiếng gầm dữ dội là mơ ước của nhiều người. Thì nay công cuộc điện hoá khiến mọi người chuyển sang ham muốn sở hữu những chiếc siêu xe sạch sẽ, thời trang và thân thiện với môi trường...
Xe điện và cuộc cải tổ định nghĩa siêu xe

Từng bị xem là viển vông, nhưng siêu xe chạy điện đang định nghĩa lại khái niệm phi thường ngay trong thời điểm hiện tại. Hai năm trở lại đây, nhiều mẫu xe khác nhau đã xuất hiện, công suất hơn 1.000 mã lực và tốc độ tối đa trên 320 km/h đã trở nên phổ biến, và các nhà sản xuất bắt đầu tập trung nhiều hơn vào công cuộc điện hóa, dựa vào động cơ điện để vượt qua giới hạn của động cơ đốt trong.

Siêu xe chạy xăng ở đâu trong thế giới xe điện?

Trong vài thập kỷ qua, gara của Luciano Colosio, một kỹ sư cảnh quan, luôn tuân thủ quy định nghiêm ngặt: mọi chiếc xe lọt vào đó phải có 12 xy-lanh. Đó là chiếc McLaren F1, chiếc Pagani Huayra BC trị giá 2,6 triệu USD, chiếc Bugatti Veyron, hai chiếc Aston Martin One-77 với động cơ Cosworth chế tạo thủ công và cả loạt xe Ferrarri. Nhưng giờ thì quy định đó đã bị phá vỡ.

Ở tuổi 61, Luciano Colosio vừa đặt cọc 385.000 USD để lấy chiếc Battista giá 1,9 triệu USD, mẫu xe thuần điện của Pininfarina, hãng chuyên thiết kế và sản xuất phần thân xe Italia cực kỳ nổi tiếng. Chỉ 150 chiếc Battista được xuất xưởng, với phần ngoại thất mang trọn những đường nét gợi gợi nhớ đến phong cách thanh lịch đã thành truyền thống của Pininfarina. Nhưng công nghệ pin cung cấp cho động cơ mới là điểm nhấn đáng kể.

“Tôi đã có cơ hội tận mắt thấy chiếc xe này”, Luciano Colosio nói với phóng viên Financial Times. “Nó thực sự phù hợp với tôi. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mấu chốt (của ngành công nghiệp xe hơi) và đã đến lúc phải thay đổi”. Mô tả của Luciano Colosio có thể khác thường nhưng chính xác. “Trước giờ, mọi siêu xe đều giống nhau. Bốc mùi và cực kỳ ồn ào”. Nhưng đó chính là hai yếu tố hấp dẫn nội tại của siêu xe, cùng tính độc quyền và giá thấp nhất không bao giờ dưới 200.000 USD.

Ferrari - Cái tên quen thuộc bậc nhất trong thế giới siêu xe đã có sự khởi đầu rất chậm chạp trong việc từ bỏ động cơ đốt trong
Ferrari - Cái tên quen thuộc bậc nhất trong thế giới siêu xe đã có sự khởi đầu rất chậm chạp trong việc từ bỏ động cơ đốt trong

Ferrari, Lamborghini, Aston Martin và McLaren, những cái tên quen thuộc bậc nhất trong thế giới siêu xe đã có sự khởi đầu rất chậm chạp trong việc từ bỏ động cơ đốt trong, vốn là thế mạnh của họ trong suốt bao năm qua. Theo Jato Dynamics, các thương hiệu này đã bán được 22.000 siêu xe và dòng GT (Grand Tourer) hạng sang trong năm ngoái, tăng khoảng 18% so với năm 2021. Không một chiếc nào trong số đó là xe thuần điện.

Mặc dù rất tích cực tận dụng hiệu suất của năng lượng điện nhưng làm siêu xe với động cơ thuần điện lại là câu chuyện khác. Nhưng sự xuất hiện của những “tay chơi” mới nổi sẵn sàng dùng động cơ thuần điện để chinh phục nhóm khách hàng giàu có đam mê tốc độ đã khiến những gã khổng lồ bảo thủ không thể ngồi yên.

Đứng đầu trong số đó là Rimac Automobili, một công ty Croatia, dưới sự dẫn dắt của “siêu nhân” Mate Rimac, không chỉ sản xuất siêu xe điện mà còn cung cấp công nghệ điện cho nhiều nhà sản xuất xe hơi khác, bao gồm cả hệ thống động cơ hybrid cho siêu xe Valkyrie của Aston Martin. Chiếc Nevera của Rimac sẽ đến tay khách hàng trong mùa thu này, cái giá 2 triệu USD không làm bất kỳ người mua nào cảm thấy nao núng.

Mate Rimac - Một trong những cái tên có sức ảnh hưởng tới thị trường xe điện hiện nay
Mate Rimac - Một trong những cái tên có sức ảnh hưởng tới thị trường xe điện hiện nay

Volkswagen đã rất nhanh chóng thiết lập liên minh với Rimac Automobili để giúp quá trình điện hóa của hai thương hiệu con Porsche và Bugatti trở nên thuận tiện hơn, và SoftBank ngửi thấy mùi lợi nhuận, cũng đã ném tiền vào. Chiếc Pininfarina Battista mà Luciano Colosio đã đặt cọc được xây dựng trên nền tảng của chiếc Rimac Nevera, vì thế, nó được coi là một lựa chọn hết sức an toàn cho người mua.

Bất chấp những cam kết về khả năng tăng tốc chóng mặt nhờ công nghệ pin, việc duy trì trải nghiệm lái của những chiếc siêu xe truyền thống với năng lượng thuần điện vẫn là một thách thức. Năng lượng từ pin sạc có vẻ vẫn chưa phù hợp với những chiếc siêu xe cần phải lướt nhanh như gió trên mọi cung đường, chưa kể đến trọng lượng nhẹ - chìa khóa cho sự linh hoạt của một chiếc siêu xe – lại trở thành bài toàn khó do khối pin thường nặng đến vài trăm kg.

Từng có một câu hỏi rằng, “siêu xe chạy xăng có ý nghĩa gì trong thế giới xe điện”. Nhưng rõ ràng, việc các quốc gia đồng loạt thắt chặt quy định về khí thải, cam kết loại bỏ động cơ đốt trong và nhu cầu thay đổi của khách hàng buộc các thương hiệu siêu xe, dù muốn hay không, cũng phải bắt tay vào làm xe điện.

Và câu trả lời cho câu hỏi trên là “không”. Không có ý nghĩa gì hết. Sẽ đến lúc tất cả vào nằm trong viện bảo tàng, trong các bộ sưu tập cá nhân hoặc ra bãi xe phế thải. Chúng sẽ không còn cơ hội lăn bánh trên đường sau khoảng 10 năm nữa hoặc lâu hơn, tùy theo từng khu vực.

Nhiều cuộc cải tổ còn lừng khừng

Cũng có những lý luận cho rằng, vì siêu xe ngự trị trên đỉnh chóp của thế giới xe hơi, là kết tinh của công nghệ và kỹ thuật chế tác, nên cần nhận được những sự ưu ái nhất định.

Và Mate Rimac, kỳ lạ thay, lại lên tiếng ủng hộ. Anh nói: “Châu Âu đang tự bắn vào chân mình, giết chết ngành công nghiệp này trong tương lai, nếu các quy chuẩn về khí thải cũng được áp dụng cho siêu xe (dùng động cơ đốt trong). Tác động môi trường của chúng là rất nhỏ, số lượng quá ít và thời gian lăn bánh trên đường thường không dài. Về cơ bản, chúng là những tác phẩm nghệ thuật, và châu Âu là là nơi dẫn đầu thế giới về siêu xe”.

Tuy nhiên, những người hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã đưa ra những phản bác xác đáng. Rằng siêu xe là sản phẩm có xu hướng lợi nhuận vượt trội, khách hàng thuộc nhóm cao cấp, vì vậy, quá trình điện hóa lại càng phải nhanh hơn xe hơi đại chúng. Chưa kể, vì sao những người siêu giàu đủ khả năng mua siêu xe lại được phép phát thải nhiều hơn, trong khi phần còn lại của xã hội lại phải giảm lượng khí thải? 

Người giàu ngày càng thích siêu xe điện
Người giàu ngày càng thích siêu xe điện

Rimac Automobili, với tư cách là một trong những nhà sản xuất bán siêu xe thuần điện đầu tiên, có khởi đầu rất ấn tượng nhưng cũng phải đối mặt với vô số thử thách. Mate Rimac giải thích: “Trên thị trường cực hiếm siêu xe thuần điện, vì thế, khách hàng rất khó tìm được sản phẩm tham chiếu, hay nói rõ ràng hơn là không thể tìm nổi”. Điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định mua xe. Nhưng Mate Rimac cũng hoàn toàn lạc quan về việc sẽ bán hết mẫu Rimac Nevera, và trong tương lai, “cần tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thu hút thật nhiều người tham gia”.

Nếu khách hàng vẫn muốn trung thành với những thương hiệu siêu xe đã quen thuộc, họ sẽ phải chờ đợi lâu hơn rất nhiều, bởi hầu hết trong số đó chỉ mới đang triển khai lộ trình điện hóa. Như Ferrari sẽ tung ra mẫu siêu xe thuần điện đầu tiên vào năm 2025 và đến 2030 cũng chỉ đảm bảo 40% số xe bán ra thị trường dùng hoàn toàn động cơ điện. Còn Lamborghini (thuộc quản lý của Volkswagen) mới chỉ hứa hẹn về một chiếc xe thuần điện “trong thập kỷ này” mà không đề cập đến thời gian cụ thể.

McLaren sẽ chỉ tung ra mẫu xe thuần điện vào năm 2028, còn năm nay, họ giới thiệu chiếc hybrid mang tên Artura. Còn Aston Martin, dựa dẫm rất nhiều vào cổ đông lớn Mercedes-Benz, cũng đặt mục tiêu xuất xưởng xe điện vào năm 2025. “Chúng tôi đang thay đổi theo tốc độ mà khách hàng mong muốn”, CEO Lawrence Stroll nói. “Công bằng mà nói, tôi không có thể đảm bảo không phải 100% khách hàng của Aston Martin đều muốn có xe điện ngay lúc này”.

Trong khi các hãng xe phổ thông đã lên kế hoạch về ngày ngừng sản xuất động cơ đốt trong thì hầu hết thương hiệu xe siêu sang vẫn còn rất lừng khừng. Lawrence Stroll tiết lộ: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục xuất xưởng xe xăng, miễn là thị trường còn có nhu cầu. Nhưng chắc chắn xe xăng của chúng tôi sẽ được trang bị các công nghệ hybrid”.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của tầng lớp người giầu mới thuộc thế hệ Y và thế hệ Z sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong phân khúc khách hàng của các nhà sản xuất siêu xe. Trẻ tuổi, có tư duy tích cực, không đặt nặng vẫn đề sở hữu, thế hệ Y và thế hệ Z còn đặc biệt quan tâm đến môi trường.

Việc Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới cũng một phần nhờ vào ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường của cư dân (nhất là ở các đô thị lớn) đã được cải thiện đáng kể trong khoảng một thập niên trở lại đây. Nhiều người thực sự thấy “ngại” khi ngồi sau vô-lăng của chiếc xe có tiếng động cơ “đinh tai nhức óc”, phải chịu đựng ánh mắt tò mò, giận dữ (và cả kỳ thị) của đám đông.

Cũng vì thế, Per Svantesson, ông chủ Pininfarina gọi những siêu xe thuần điện là “sự sang trọng vô tội”. Một phần ba khách hàng hiện tại của Pininfarina đã quyết tâm “chuyển” từ xe xăng sang xe điện, một phần ba vẫn trung thành với những mẫu xe Ferrari cổ điển do công ty từng thiết kế và xây dựng, một phần ba còn lại là những người mua siêu xe lần đầu tiên.

“Với siêu xe điện, chúng tôi mang đến cho thế giới một hy vọng, rằng mọi người đều có cơ hội tiếp tục tận hưởng mọi thứ theo cách bền vững nhất có thể”, Per Svantesson kết luận.

Ken Choo, Tổng quản lý HR Owen, đại lý Ferrari và Lamborghini lớn nhất thế giới, nói rằng khách hàng của ông hỏi về xe điện ngày càng nhiều hơn, phần vì tò mò, phần vì ước ao được cả xã hội thấy họ đang làm điều đúng đắn. “Họ muốn trở thành những người đầu tiên lái những chiếc siêu xe sạch sẽ, thời trang và thân thiện với môi trường”.

Xem thêm

Thị trường xe điện Việt Nam: Xe giá rẻ lên ngôi?

Thị trường xe điện Việt Nam: Xe giá rẻ lên ngôi?

Thị trường xe ô tô điện (xe điện) của Việt Nam là rất tiềm năng, và cuộc chơi cũng bắt đầu sôi động khi hàng loạt hãng xe – nhất là từ Trung Quốc – có ý định "đánh chiếm" thị trường này.
Cựu chuyên gia Tesla: “VinFast là một hình mẫu trong cuộc cách mạng xe điện thế giới”

Cựu chuyên gia Tesla: “VinFast là một hình mẫu trong cuộc cách mạng xe điện thế giới”

“VinFast là một hình mẫu trong cuộc cách mạng xe điện thế giới. Các nhà sản xuất Nhật Bản đang dần bị bỏ lại phía sau cuộc đua xe điện” - đó là đánh giá của Bart Chigusa, cựu chuyên gia Tesla và là một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh có tiếng ở Nhật Bản, về thương hiệu ô tô điện Việt Nam...

Có thể bạn quan tâm

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Thị trường ôtô Việt Nam đang bùng nổ với xu hướng điện hóa, đặc biệt là sự ra đời của xe hybrid và xe thuần điện, hứa hẹn một tương lai bền vững và đổi mới cho ngành ô tô Việt…