Xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE: Không làm gấp sẽ nguy hiểm

Theo nhận định của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, công tác xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE đã không còn là “nước đến chân” mà là đã tới cổ, nếu không làm khẩn cấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE: Không làm gấp sẽ nguy hiểm

Chiều ngày 9/3 vừa qua, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán đang diễn ra trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE).

Tại buổi làm việc, Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật HoSE. Theo ông Bình, chỉ cần niềm tin của Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân, việc quá tải của sàn chứng khoán có thể giải quyết xong trong 2 tháng.

Cũng đưa ra ý kiến về biện pháp xử lý những vấn đề tại HoSE, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet, Phó chủ tịch thường trực HDBank cho rằng với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường,  thị trường chứng khoán Việt Nam phải sánh ngang với sàn Hong Kong, Luân Đôn hay New York về mặt công nghệ. 

Theo đó, bày tỏ sự tin tưởng các tập đoàn công nghệ Việt Nam như FPT, One Mount Group, Viettel... có khả năng tìm giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải. Qua khảo sát sơ bộ cần khoảng 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỉ đồng là có thể giải quyết vấn đề này. Các doanh nghiệp tư nhân có thể cùng nhau tài trợ toàn bộ chi phí.

Trước kiến nghị của các doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu các ý kiến, giải quyết thật nhanh việc thay đổi công nghệ của sàn chứng khoán TP.HCM để không còn xảy ra trục trặc, không sử dụng ngân sách.

Về vấn đề này, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng đây là một tin rất tốt bởi đã xác định được hướng giải quyết rõ ràng. Việc FPT "xung phong" nhận làm thể hiện một tư duy dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Với những gì hệ thống HNX đang thể hiện, FPT sẽ thành công”, ông Điệp bày tỏ

Theo ông Điệp, cách đây gần 4 tháng, HoSE bắt đầu có những dấu hiệu "nghẽn lệnh" đầu tiên. Nếu vào lúc đó, lãnh đạo HoSE đánh giá đúng tầm nghiêm trọng của lỗi, báo cáo kịp thời lên UBCKNN, lên Bộ Tài chính, thậm chí lên Thủ tướng chính phủ, thì biết đâu đấy, lỗi bây giờ đã khắc phục xong.

"Nhưng do trách nhiệm chưa cao, năng lực xử lý còn chưa tốt, hành xử cảm tính, đã để tình trạng xảy ra quá lâu. Lãnh đạo HoSE lại đề xuất những giải pháp "rất yếu". Giải pháp nâng lô lên 1.000 hay giải pháp "cấm hủy sửa lệnh" đều không có tính thị trường, đi ngược với chủ trương phát triển thị trường chứng khoán của Nhà nước", ông Điệp cho biết.

Có nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ đợi FPT hoàn tất hệ thống giao dịch mới mất khoảng 3-4 tháng thì sàn vẫn "đơ", sẽ gây thiệt hại to lớn cho nhà đầu tư. Vậy trong thời gian chờ đợi phải có giải pháp tạm thời nào?

Với những vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Điệp đã có đề xuất những giải pháp tạm thời nhằm giảm tải hiện tượng nghẽn lệnh như sau:

+ Chuyển toàn bộ các mã thuộc VN30 sang dùng "nhờ" hệ thống HNX. Nhóm 30 công ty này đang chiếm khoảng 40% giá trị và khối lượng giao dịch hàng ngày.

+ Lập Bảng riêng cho VN30 và vẫn định danh là sàn HoSE.

+ Tính chỉ số VN30, sau đó kết hợp với chỉ số của các mã ở lại sàn HoSÊ, tính ra chỉ số VN-Index. Ông Điệp cho rằng việc này bản chất sẽ không làm thay đổi bộ chỉ số nào hết và các chuyên gia (toán học) sẽ làm được.

+ Các CTCK không cần phải tốn chi phí để thay đổi phần mềm, bản chất vẫn định danh là sàn HoSE.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, tất cả các bước trên theo tôi chỉ mất tối đa 5 ngày để thực hiện. “Bây giờ không còn là "nước đến chân" mà là đã tới cổ rồi, không làm khẩn cấp sẽ nguy hiểm", ông Điệp nhận định.

Có thể bạn quan tâm