Xu thế chứng khoán ngày 10/1: Mua/bán linh hoạt 2 chiều với tỷ trọng thấp

Theo khuyến nghị của công ty chứng khoán, nhà đầu tư nên mua/bán linh hoạt 2 chiều với tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự, cụ thể là 1.125 (+/-5) điểm và quanh 1.155 (+/-5) điểm...

Xu thế chứng khoán ngày 10/1: Mua/bán linh hoạt 2 chiều với tỷ trọng thấp
Xu thế chứng khoán ngày 10/1: Mua/bán linh hoạt 2 chiều với tỷ trọng thấp

Chứng khoán ngày 9/1, sau 4 phiên liên tiếp tăng điểm tốt, VN-Index đã gặp áp lực điều chỉnh quanh vùng giá 1.160 điểm để kiểm tra lại vùng giá 1.150 điểm tương ứng đường giá trung bình MA200 phiên trên đồ thị tuần. Kết phiên VN-Index giảm 1,60 điểm (-0,14%) về mức 1.158,59 điểm.

HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,35%) về mức 232,50 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết nghiêng về tiêu cực khi áp lực bán ngắn hạn gia tăng mở rộng hơn với 427 mã giảm giá (10 mã giảm sàn), 222 mã tăng giá (7 mã tăng trần) và 139 mã giữ giá tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 20.098,48 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,16% so với phiên trước, duy trì vượt mức trung bình, thể hiện dòng tiền ngắn hạn vẫn đang duy trì trong thị trường, nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản giảm, tuy nhiên vẫn có nhiều nhóm mã như dầu khí chịu áp lực bán khá mạnh.

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp, giá trị bán ròng 116,17 tỷ đồng trên HOSE, giảm so với những phiên trước khi nhiều mã mua ròng mạnh trở lại điển hình như mua ròng HPG, tiếp tục bán ròng trên HNX với giá trị 18,86 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhóm dầu khí sau áp lực điều chỉnh phiên trước, tiếp tục có diễn biến kém tích cực, áp lực bán gia tăng mạnh hơn, thanh khoản gia tăng khá tiêu cực khi giá dầu cũng điều chỉnh khá mạnh, với PVT (-2,46%), PVS (-2,39%), PVD (-2,19%), BSR (-2,13%)...

Các cổ phiếu bất động sản sau phiên tăng giá mạnh đã phân hóa hơn, đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản ở mức trung bình như NHA (-1,96%), SJS (-1,73%), CEO (-1,72%), NVL (-1,45%)... ngoài các mã tăng giá tích cực, thanh khoản duy trì vượt mức trung bình ITC (+3,60%), TCH (+1,89%), CII (+1,64%)...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến phân hóa mạnh, đa số chịu áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng giá tốt với ACB (-1,38%), ABB (-1,22%), TPB (-1,11%), BID (-0,75%)... ngoài CTG (+1,52%), MSB (+1,47%), TCB (+1,17%), VCB (+1,15%)... thanh khoản gia tăng tốt.

Trong khi đó các cổ phiếu phân bón trước thông tin Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), đã có diễn biến khá nổi bật như BFC (+4,28%), DCM (+1,09%), DPM (+0,89%)...

anh-chup-man-hinh-2024-01-09-luc-193740-2741.png
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Gia tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu thuộc ngành bất động sản và chứng khoán

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng các phiên rung lắc điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng đối với những cổ phiếu cho tín hiệu vượt kháng cự hoặc kiểm định thành công hỗ trợ, đặc biệt với các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản và chứng khoán.

Đồng thời, các nhà đầu tư cũng nên tiến hành hiện thực hóa chiến lược lướt sóng T+ đối với những cổ phiếu cho thấy xu hướng tăng có phần chững lại.

Mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Áp lực rung lắc tiếp tục gia tăng tại quanh ngưỡng cản gần 1.155 (+/-5) điểm khiến cho chỉ số VN-Index không thể giữ vững nhịp tăng điểm đầu phiên.

Mặc dù tiếp tục nâng đỡ chính cho chỉ số, sự phân hóa dần rõ nét hơn trong nhóm cổ phiếu ngân hàng với một số mã dẫn dắt đã cho thấy áp lực bán mạnh xuất hiện quanh vùng cản của cổ phiếu.

Do đó, nhiều khả năng VN-Index vẫn có thể có những nhịp vận động giằng co rung lắc trong những phiên sắp tới, và rủi ro đảo chiều đang được bỏ ngỏ trong trường hợp nhóm dẫn dắt điều chỉnh.

Nhà đầu tư được khuyến nghị mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự, cụ thể là 1.125 (+/-5) điểm và quanh 1.155 (+/-5) điểm.

Tăng tỷ trọng khi có các nhịp rung lắc mạnh

Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường duy trì tăng giá. Nhà đầu tư nên quan sát và gia tăng tỷ trọng khi có các nhịp rung lắc mạnh trong phiên.

Chốt lời ngắn hạn một phần quanh vùng 1.160 điểm với cổ phiếu đã về vùng kháng cự

Chứng khoán AIS

Chỉ số VN-Index tiếp tục gặp áp lực bán quanh vùng kháng cự 1.160 điểm. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI vào vùng quá mua và có tín hiệu suy yếu, cho thấy đà tăng có xu hướng chững lại.

Trong những phiên tiếp theo, những nhịp rung lắc có thể tiếp tục xuất hiện quanh vùng kháng cự 1.165-1.170 điểm. Nhưng đó chỉ là những phản ứng ngắn hạn. Xu thế chủ đạo của thị trường vẫn là tăng giá trong quý 1/2024 này.

Với hoạt động đầu tư ngắn hạn, khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc chốt lời ngắn hạn một phần quanh vùng 1.160 điểm đối với những cổ phiếu đã về vùng kháng cự.

Tận dụng nhịp rung lắc mạnh để tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Thanh khoản phiên hôm nay ở mức trung bình so với ba phiên trước, biên độ giảm điểm không lớn nên nhịp chỉnh không quá bất ngờ và cũng chưa làm thay đổi xu hướng tích cực đã hình thành trước đó.

Chỉ số VN-Index phiên này chưa chạm tới ngưỡng kháng cự 1.165 - 1.175 điểm nên khả năng sẽ còn nhiều rung lắc trong quá trình tăng điểm.

Mặc dù vậy, CSI vẫn kiên trì với quan điểm nắm vững danh mục và tận dụng nhịp rung lắc mạnh khi VN-Index rơi về vùng hỗ trợ 1.132-1.140 điểm để tăng thêm tỷ trọng ở những mã cổ phiếu đang có lợi nhuận.

Có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao

Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm