Xu thế chứng khoán ngày 5/4: Gia tăng tỷ trọng với các nhóm ngành đang hút lực cầu

Với diễn biến hiện tại, khuyến nghị các nhà đầu tư bám sát thị trường, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để gia tăng tỷ trọng đối với các nhóm ngành đang thu hút lực cầu tốt như bất động sản, chứng khoán, bán lẻ…
chứng khoán ngày

Chứng khoán ngày 4/4, dưới áp lực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN-Index kết phiên hôm nay giảm nhẹ 0,83 điểm (-0,08%) về mức 1.078.45 điểm với thanh khoản ở mức cao. Độ rộng thị trường vẫn tích cực với 261 mã tăng điểm (9 mã tăng trần), 139 mã giảm điểm khi áp lực bán ngắn hạn gia tăng và 46 mã tham chiếu. HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,12%) lên mức 210,73 điểm với 95 mã tăng điểm (13 mã tăng trần), 73 mã giảm điểm (06 mã giảm sàn) và 58 mã giữ giá tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết duy trì ở mức cao với 14,903,42 tỷ đồng được giao dịch, giảm nhẹ so với phiên trước, vẫn cao trên mức trung bình khi dòng tiền ngắn hạn gia tăng ở nhiều nhóm mã với thanh khoản, khối lượng giao dịch đột biến và có xu hướng luân chuyển sang các mã vốn hóa nhỏ, trung bình. Nhà đầu tư nước ngoài sau tiếp tục bán ròng phiên thứ 02 liên tiếp trong đầu tháng 4 trên HOSE với giá trị bán 268,52 tỷ đồng. Bán ròng trở lại trên HNX với giá trị 4,12 tỷ đồng.

Tiếp theo việc hạ lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà Nước hôm qua có công văn hướng dẫn triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33 Chính phủ, với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng. 

Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 trong đó 428.000 căn giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành 634.200 căn giai đoạn 2025 – 2030. Đồng thời Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 10 sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai với nhiều điểm mới.

Được sự hỗ trợ bởi các thông tin trên, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì tăng điểm tích cực như DRH (+6,29%), NTL (+3,74%), DIG (+3,47%), QCG (+3,45%)... Đồng thời nhiều mã cũng chịu áp lực bán trong vùng quá mua ngắn hạn như VHM (-3,04%), CEO (-0,84%)...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán tiếp tục thu hút lực cầu với nhiều mã tăng giá tích cực như BSI (+6,87%), FTS (+3,08%), VIX (+2,61%), MBS (+2,42%), HCM (+2,30%)...

Ngoài ra dòng tiền cũng luân chuyển sang các mã, nhóm mã cơ bản có quá trình tích lũy tốt như logistic như HAH (+6,93%), VOS (+6,84%), GMD (+1,91%)... nhóm ngành thủy sản với ANV (+4,79%), IDI (+3,02%), VHC (+2,18%)... và phục hồi tốt trở lại đối với nhóm cổ phiếu bán lẻ sau áp lực bán mạnh trong tháng 03 như DGWW (+6,69%), PET (5,74%), FRT (+5,69%)....

Các mã ngân hàng có tính chất giữ nhịp và luân chuyển ngắn hạn với mức độ phân hóa tích cực khi PGB (+4,80%), SHB (+2,68%), VIB (+1,84%), LPB (+1,61%)... HDB (-1,03%), CTG (-1,0%), VCB (-0,86%)...

Tăng tỷ trọng với các nhóm ngành đang hút lực cầu

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, chứng khoán ngày 4/4, VN-Index kết phiên tạo nến đỏ giảm điểm nhẹ thể hiện áp lực chốt lời ngắn hạn. Tại khung đồ thị giờ, các chỉ báo đã suy yếu và cho tín hiệu tạo đỉnh đầu tiên cho thấy sự rung lắc có thể sẽ diễn ra mạnh hơn trong các phiên tới. 

Tuy nhiên, tại khung đồ thị ngày, cả 2 chỉ báo MACD và RSI mới chỉ đang suy yếu dần và có thể mất một số phiên để tạo đỉnh đầu tiên nên xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa, tăng giảm, đan xen và nhiều khả năng là đi lên zigzag hướng tới khu vực đỉnh cũ quanh 1.090 - 1.100. 

Với diễn biến hiện tại, khuyến nghị các nhà đầu tư bám sát thị trường, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để gia tăng tỷ trọng đối với các nhóm ngành đang thu hút lực cầu tốt như bất động sản, chứng khoán, bán lẻ.

Xu hướng chủ đạo vẫn là tăng điểm

Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Chứng khoán ngày 4/4, VN-Index đóng cửa với cây nến giảm điểm nhẹ đi kèm thanh khoản thấp hơn hôm qua, cho thấy đà giảm chủ yếu đến từ áp lực chốt lời từ vùng giá cao. Xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn đang được duy trì và chưa có thêm tín hiệu tiêu cực nào. 

Điểm tiêu cực duy nhất hiện tại là chỉ số đang để hở 2 gap tăng giá nên sẽ dẫn đến áp lực điều chỉnh nhanh và sốc có thể xảy ra ngay trong phiên trong các phiên sắp tới. Hỗ trợ chính của thị trường hiện tại là vùng cân bằng trước đó quanh khu vực 1.050 điểm và đây là hỗ trợ mạnh của xu hướng tăng giá đã thiết lập trong ngắn hạn. 

Kháng cự sắp tới của chỉ số sẽ là 2 vùng đỉnh hồi phục của tháng 2 ở quanh 1.095 điểm và 1.140 điểm. Trong các phiên chứng khoán ngày sắp tới, xu hướng chủ đạo vẫn là tăng điểm. Trong các phiên còn lại trong tuần, khả năng cao sẽ có nhịp thị trường kiểm tra lại ngưỡng kháng cự đỉnh tháng 2 trước đó.

Xu thế của thị trường hiện tại là tăng giá nên các nhịp rung lắc hay điều chỉnh sắp tới đều là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Thị trường đang rất tích cực trong ngắn hạn và nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành mạnh như BĐS, chứng khoán, xây dựng – đầu tư công và ngân hàng.

Rung lắc vùng 1.070 - 1.080 điểm

Chứng khoán MB (MBS)

Chứng khoán ngày 4/4, thanh khoản trên cả ba sàn đạt mức 15,484 tỷ với 942 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Tóm lại, thị trường khởi động quý 2 với nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ trong và ngoài nước, thanh khoản được cải thiện, dòng tiền lan tỏa tới nhiều nhóm ngành. 

Thị trường sẽ tiến tới vùng cản mạnh 1.080 - 1.090 điểm. Trong những phiên tới thị trường có thể sẽ rung lắc và tích lũy quanh vùng 1.070 - 1.080 điểm.

Tiếp tục diễn biến rung lắc

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chứng khoán ngày 4/4, VN-Index trải qua một nhịp rung lắc giằng co trong biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen. Áp lực chốt lời gia tăng quanh ngưỡng cản gần 107x đã khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số có phần suy yếu. 

Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1100 điểm vẫn đang chiếm ưu thế, F1 nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến rung lắc trong các phiên tiếp theo nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1065.

Khuyến nghị nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng trading khi chỉ số về quanh hỗ trợ gần.

Tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch chứng khoán ngày kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.068 – 1.072 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên nhịp điều chỉnh có thể cũng sẽ nhanh chóng kết thúc. 

Điểm tiêu cực trong ngắn hạn là rủi ro ngắn hạn của nhóm cổ phiếu Midcaps có dấu hiệu gia tăng cho nên nhóm cổ phiếu Midcaps có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh mạnh hơn trong những phiên chứng khoán ngày tới.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được ThuonggiaOnline trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm