Chủ tịch Điện Quang Hồ Quỳnh Hưng: "Chuyển đổi là chuyện sống còn của Điện Quang"

“Tiên phong” là cái cách mà người ta hay nói về những người dẫn đầu nhưng chỉ những ai trong cuộc mới hiểu hết “cái giá” của mỹ từ này.
Chủ tịch Điện Quang Hồ Quỳnh Hưng: "Chuyển đổi là chuyện sống còn của Điện Quang"

Chiến lược “chuyển đổi” từ công nghệ LED sang giải pháp công nghệ thông minh để trở thành người tiên phong một lần nữa đưa Điện Quang đối diện với nhiều thách thức, hệt như “cuộc cách mạng LED” mà đại gia công nghệ chiếu sáng này thực hiện vào đầu những năm 2000.

Đó là cuộc chơi rất mới mẻ, tốn tiền nhưng không thể khác được và mang tính chất sống còn với Điện Quang”, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (DQC) chia sẻ với Thương Gia trong những ngày đầu năm 2020.

Công nghệ thông minh 4.0: Không bây giờ thì bao giờ?

Tôi vừa có chuyến thăm quan Nhà máy Điện Quang tại Khu công nghệ cao TP.HCM cùng với các doanh nhân Câu lạc bộ HREC. Trong suốt buổi tham quan, Điện Quang không chỉ giới thiệu chuyện bóng đèn mà rất chú trọng vào “công nghệ chiếu sáng”. Dường như đang có một sự chuyển đổi rất mạnh mẽ?

Đúng là như vậy! Ngay từ khi thành lập, Điện Quang đã định hướng là chuyên sâu về “điện” và “quang”. Kể cả khi muốn phát triển mở rộng hơn nữa thì chúng tôi vẫn giữ giá trị cốt lõi là các sản phẩm về điện và chiếu sáng. 3 năm trở lại đây, Điện Quang có thêm chữ “công nghệ” trong định hướng với chiến lược rất rõ ràng là trở thành “tập đoàn đa quốc gia về chiếu sáng và công nghệ”.

Ông có thể nói rõ hơn về sự chuyển đổi này?

Chiếu sáng đã trải qua nhiều đợt chuyển đổi từ công nghệ đèn sợi đốt sang công nghệ đèn huỳnh quang Compact, sang công nghệ đèn LED. Trước đây, thời gian thay đổi công nghệ kéo dài vài chục năm nhưng nay thì ngày càng ngắn lại, có khi 5–7 năm công nghệ đã thay đổi. Do vậy, nếu không thay đổi công nghệ, không thay đổi cách tiếp cận, mình sẽ bị lạc hậu.

Văn hóa của Điện Quang từ xưa đến nay là văn hóa sáng tạo, giá trị cốt lõi là giá trị sáng tạo nên chúng tôi luôn cố gắng đi đầu trong phát triển công nghệ. Năm 2016, dù công nghệ LED vẫn đang rất thịnh hành nhưng chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu và triển khai “chiến lược chuyển đổi” theo hướng từ một đơn vị sản xuất các sản phẩm chiếu sáng thuần túy chuyển sang cung cấp giải pháp tổng thể cho ngành điện và chiếu sáng.

Nói cách khác là ngày xưa mình sản xuất bóng đèn, đèn bàn... thì bây giờ mình cung cấp giải pháp về không gian ánh sáng để làm việc, trong phòng ngủ, trong phòng ăn làm sao cho tiện nghi, thẩm mỹ và đảm bảo cả tính an toàn về phòng chống cháy nổ, an toàn về thị lực... Song song đó là các dịch vụ tư vấn, hậu mãi... tạo thành gói tổng thể.

Với chiến lược này thì các sản phẩm cũng sẽ được chuyển đổi một cách đồng bộ từ sản phẩm chiếu sáng thông thường sang sản xuất các sản phẩm thông minh.

“3 năm trở lại đây, Điện Quang có thêm chữ “công nghệ” trong định hướng với chiến lược rất rõ ràng là trở thành “tập đoàn đa quốc gia về chiếu sáng và công nghệ”.

Điện Quang đã chuẩn bị và triển khai chiến lược chuyển đổi này như thế nào?

Chúng tôi xác định để triển khai việc chuyển đổi phải đầu tư rất nhiều, nhất là đầu tư về công nghệ. Cuộc chơi công nghệ là cuộc chơi “đốt tiền”! Nếu không có sự chuẩn bị từ sớm các nguồn lực và lộ trình thì khó đạt hiệu quả. Khi bàn về chiến lược chuyển đổi, cũng có nhiều ý kiến ra vào nhưng HĐQT chúng tôi quyết làm bởi chiếu sáng thông minh 4.0 là công nghệ của tương lai rất gần thôi, không làm bây giờ thì bao giờ, chậm là không kịp!

Một khi đã quyết tâm rồi thì chúng tôi triển khai nhanh lắm! Nhà máy Công nghệ cao, Trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm, sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chip LED siêu sáng và thiết bị điện tử công nghệ cao tại Khu công nghệ cao TP.HCM đi vào hoạt động sau hơn 2 năm xây dựng, tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng chuyển đổi mô hình tổ chức từ “truyền thống” sang “công nghệ”, thấy rõ nhất là khối R&D. Trước đây, chúng tôi chỉ nghiên cứu, phát triển về cái đèn, cái bóng thì giờ phải nghiên cứu về các giải pháp công nghệ, chiếu sáng thông minh, internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển bằng giọng nói... đủ thứ hết!

Giải bài toán hiện đại nhưng không hại điện

Tôi đã trải nghiệm các giải pháp chiếu sáng 4.0 của Điện Quang, phải nói là rất hiện đại, thông minh nhưng có câu hiện đại thì “hại điện”, tốn tiền và khó dùng?

Đó là thách thức của những người đi tiên phong nhưng chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt. Hiện công nghệ thông minh đối với người Việt mình rất mới, nghe rất thích, trải nghiệm rất “đã” nhưng bảo dùng thì còn khá ít. Điện Quang có khảo sát thấy hai trở ngại lớn của người tiêu dùng đối với công nghệ thông minh. Đúng như anh nói, một là bị kêu “khó dùng” và hai là cứ nghĩ đến “thông minh” là chi phí cao.

Đây cũng chính là lý do vì sao mình phải đi trước, vừa làm, vừa phổ biến cho người tiêu dùng để họ hiểu, trải nghiệm và cảm nhận những giá trị vượt trội của công nghệ thông minh. Cũng như giai đoạn chuyển đổi huỳnh quang Compact sang LED, chúng tôi phải mang từng sản phẩm cho khách hàng dùng thử, trải nghiệm. Họ cũng lăn tăn LED đắt hơn nhưng bị thuyết phục bởi lợi ích nhiều hơn, rất đáng tiền. Giờ thì anh thấy, đâu đâu cũng thấy LED, quá phổ thông rồi!

Tôi tin với công nghệ chiếu sáng 4.0 cũng vậy! Ở các nước phát triển, họ đã sử dụng phổ biến thì Việt Nam cũng sẽ mau chóng phổ biến thôi! Tất nhiên, công nghệ mới thì giá sẽ nhỉnh hơn và nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao tối ưu giá để phù hợp với nhu cầu của người dùng.

Nhưng làm thế nào để có thể hài hòa giữa công nghệ và giá thành để “phù hợp”với nhu cầu của người dùng?

Đây là bài toàn không đơn giản! Công nghệ hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn và thay đổi chóng mặt nên trong quá trình làm phải cố gắng nắm bắt được những công nghệ mới vì đã nói đến công nghệ thì có rất nhiều hướng phát triển, thậm chí có những công nghệ hiện nay trên thế giới đang tranh cãi đó có phải là công nghệ dẫn đầu chưa hay là còn những công nghệ khác ưu việt hơn.

Ví dụ, công nghệ kết nối ngôi nhà thông minh có Zigbee, Wifi, Bluetooth... mình chọn công nghệ nào là bài toán không đơn giản, nó quyết định chuyện thành công hay thất bại của kế hoạch triển khai, phải nghiên cứu kỹ và đưa ra quyết định.

Hiện nay, Điện Quang đang lựa chọn một số công nghệ phù hợp với môi trường và thói quen của người Việt Nam. Chẳng hạn, về kết nối, Điện Quang chọn công nghệ Zigbee vì sóng xa và xuyên tầng được phù hợp với nhà phố, nhà biệt thự...

Điện Quang đã quá quen thuộc với slogan “Ở đâu có điện - Ở đó có Điện Quang” nhưng khi bắt đầu bước vào chiếu sáng thông minh, chúng tôi định hướng đưa Điện Quang là“thương hiệu phổ thông cho mọi nhà”nên bài toán chi phí được cân nhắc ngay từ đầu.

Vì vậy, chúng tôi có nhiều phân khúc cho thị trường. Ví như, với gói hệ thống thông minh hoàn chỉnh có máy tính trung tâm gọi là DQsmart giá thành cao nhưng giải pháp tổng thể, không thiếu gì. Với gói thông minh cơ bản, dùng công nghệ wifi, mọi người có thể tự lắp đặt, giá cạnh tranh chỉ khoảng 1,6 triệu đồng thì người dùng đã có thể điều khiển hệ thống chiếu sáng, máy lạnh, TV, quạt... bằng giọng nói.

Chúng tôi lập trình đầy đủ đầy đủ các chế độ ánh sáng, phù hợp với không gian, ngữ cảnh, tích hợp điều khiển bằng cả giọng nói và nút bấm để người già, trẻ em đều sử dụng được, rất tiện lợi, không hề khó dùng.

Điện Quang đang làm gì để thuyết phục người dùng đến với công nghệ chiếu sáng thông minh?

Chúng tôi thay đổi cách tiếp cận với khách hàng. Tôi nói rồi, thay đổi công nghệ là thay đổi hết. Trước đây, mình tập trung vào việc mở rộng thị trường thông qua các đại lý, kênh phân phối. Đó là khi mình bán sản phẩm, còn giờ mình cung cấp giải pháp nên phải trực tiếp gặp khách hàng để tư vấn. Chúng tôi thành lập khối B2B chuyên đi trực tiếp tư vấn cho các DN, khối “HomeCare” trực tiếp tư vấn cho dân.

Nói về công nghệ thì không thể nói suông được, phải cho người ta trải nghiệm thực tế công nghệ ứng dụng vào cuộc sống như thế nào. Vì vậy, Điện Quang xây dựng các showroom để khách hàng “mục sở thị” và cảm nhận. Hiện nay có hơn 20 cái rồi, mục tiêu đến năm 2021 phải xây dựng trên 100 cái.

Không cảm thấy áp lực nhiều khi điều hành Điện Quang

Chuyển đổi vất vả như thế nhưng vòng đời sản phẩm công nghệ ngày càng ngắn, ông có lo ngại là khi thành quả chưa tới thì công nghệ đã lại thay đổi?

Điện Quang tính toán rất kỹ khi bắt tay vào thực hiện chiến lược chuyển đổi nên hoàn toàn không lo ngại mình sẽ bị chậm chân trong cuộc đua công nghệ. Chúng tôi dự đoán 1 – 2 năm nữa công nghệ chiếu sáng thông minh sẽ bùng nổ. Kế hoạch đầu tư là 5 năm và Điện Quang đã chuẩn bị từ 3 năm trước, nghĩa là Điện Quang đã chọn đúng “điểm rơi” về thời điểm công nghệ chiếu sáng thông minh bùng nổ!

Đó là tương lai nhưng hiện tại khi nhìn vào những con số tài chính thì các cổ đông của Điện Quang hoàn toàn có thể lo lắng?

Tôi đối diện với rất nhiều câu hỏi như vậy tại các đại hội cổ đông gần đây của Điện Quang. Các nhà đầu tư họ lo lắng là bình thường vì muốn nói gì thì nói, những con số là thước đo hiệu quả. Việc đầu tư chuyển đổi công nghệ rất tốn kém, lại phải chi phí rất nhiều cho khâu R&D, phát triển hệ thống showroom thông minh, xây dựng đội ngũ... thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tài chính trong ngắn hạn.

Đáng mừng là các cổ đông đều hiểu và sẵn lòng đồng hành cùng với chiến lược chuyển đổi của công ty.

Văn hoá trước giờ của Điện Quang luôn đề cao tính "sáng tạo", "rộng lượng" và "trách nhiệm". Tôi cho anh em phản biện thoải mái, chấp nhận văn hoá tranh luận, tạo điều kiện khuyến khích anh em phát huy thế mạnh chuyên môn của mình.

Qua 9 năm ở cương vị “thuyền trưởng” của Điện Quang, áp lực lớn nhất của ông là gì?

Thực sự thì mình không thấy áp lực gì nhiều, chắc do chính bản thân biết tự cân đối! Điều may mắn là được làm việc với đội ngũ trẻ nên luôn cảm thấy sức sống nhiều. Khi mình cảm thấy căng thẳng thì tự điều chỉnh vì căng thẳng cũng không giải quyết được việc gì. Cứ bình tĩnh lên kế hoạch giải quyết từng việc một.

Triết lý nào về kinh doanh và cuộc sống mà ông thấy tâm đắc?

Nói “triết lý” thì hơi ghê gớm nhưng theo mình làm gì cũng phải có đam mê, trách nhiệm và truyền tải đến cho các anh em trẻ. Ở Điện Quang có xây dựng lộ trình phát triển bản thân cho mỗi cán bộ nhân viên, khuyến khích anh em tự đặt mục tiêu cho mình để phấn đấu. Khi đã có đam mê, anh em sẽ tự làm việc, tự tìm tòi sáng tạo, công việc cũng được giải quyết nhẹ nhàng. Đam mê phải có kế hoạch để có sự thành công trong cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm