Nhân viên tại Tesla có lẽ đã quen với các yếu tố bất ngờ. Điều này thường được nhắc đến như một "đặc sản" không thể thiếu khi làm việc dưới trướng một giám đốc điều hành tài năng nhưng có phần bốc đồng như Elon Musk.
Nhưng ngay cả theo tiêu chuẩn khác lạ của Tesla, thì 2024 vẫn được đánh giá là một năm quá hỗn loạn. Cổ phiếu của hãng xe điện mất hơn 40% kể từ đầu năm đến nay trong bối cảnh doanh số sụt giảm, kèm theo đó là các quyết định khó hiểu và vô số đợt cắt giảm giá thành trên khắp thế giới.
Rất có thể, trong báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới, Tesla sẽ ghi nhận đà giảm 40% trong cả lợi nhuận hoạt động và doanh, mức giảm lần đầu tiên sau 4 năm.
Vị trí thống trị một thời của Tesla trên thị trường xe điện ở Trung Quốc cũng đang bị đe doạ bởi các công ty địa phương. Chuyến thăm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thông báo về một khoản đầu tư dự kiến cũng đã bị hủy bỏ vào phút chót. Thậm chí, Elon Musk cũng đã yêu cầu sa thải một số lượng lớn (10%-20%) nhân viên công ty trên toàn cầu và chuyển hướng mục tiêu thế hệ ô tô tiếp theo sang robotaxi thay vì sản xuất dòng xe điện có giá bình dân hơn cho người tiêu dùng.
Theo một người có hiểu biết trực tiếp về việc cắt giảm việc làm, lý do cho việc sa thải của Tesla không phải là tiết kiệm tiền từ các bộ phận khác để chuyển hướng chi tiêu sang robotaxi mà đơn giản là tất cả các bộ phận của công ty đều được yêu cầu giảm bớt nhân sự. Nhưng dựa trên các cuộc phỏng vấn với hàng trăm nhân viên bị sa thải, các động thái của Tesla là vô cùng thiếu trách nhiệm và phũ phàng.
Ở bộ phận hành chính, những email bắt đầu bằng cụm từ “Gửi các bạn nhân viên” đã được gửi tới email cá nhân của họ sau nửa đêm. Còn tại nhà máy sản xuất pin của Tesla ở Nevada, nhiều công nhân được điều hướng đến một bãi đậu xe để nhân viên bảo vệ quét thẻ phân biệt xem ai còn được ở lại làm việc và ai đã bị sa thải. Một người công nhân khi đó tức giận nói rằng bị bỏ rơi theo cách này là một trải nghiệm lạnh lùng và nhục nhã nhất trong bao năm làm việc của họ.
Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về sự thay đổi chiến lược, các tên tuổi chủ chốt bao gồm Drew Baglino, một cựu thành viên 18 năm của công ty, người đứng đầu bộ phận kinh doanh năng lượng và kỹ thuật hệ thống truyền động của Tesla, đã rời đi.
Rõ ràng, Elon Musk là người đã có công lèo lái Tesla thoát khỏi nhiều khó khăn trong quá khứ. Với mức định giá 469 tỷ USD, công ty vẫn cao hơn 9 lần so với vốn hóa của các đối thủ đồng hương như General Motors hay Ford Motor.
Nhưng sau khi mất gần 350 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường chỉ trong vỏn vẹn 4 tháng đầu năm, thì ngay cả các nhân viên, nhà đầu tư và giới phân tích đều hoang mang và tỏ ra hoài nghi về chiến lược kinh doanh của công ty. Đã có rất nhiều ý kiến nội bộ cho thấy họ cảm thấy bất an trước những thay đổi mà vị CEO 52 tuổi này muốn thực hiện ở Tesla.
Mặc dù ý tưởng tạo ra một dịch vụ taxi tự hành đã được Tesla ấp ủ trong ít nhất là 8 năm, nhưng công ty vẫn chưa có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết bên cạnh việc đảm bảo được sự chấp thuận theo quy định từ cơ quan chính phủ.
Nhà phân tích Steve Man của Bloomberg Intelligence cho biết: “Các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức lớn, đều đang mất kiên nhẫn. Sự cường điệu ban đầu xung quanh về hệ thống tự lái hay robotaxi nay đã suy yếu và “con lắc” dường như đang đi theo hướng ngược lại”.
Trên thực tế, có rất nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng định hướng của Tesla xung quanh robotaxi là rất rủi ro. Trong khi các cơ quan liên bang tại Mỹ đã áp dụng một cách tiếp cận dễ dãi để quản lý công nghệ, thì việc giám sát ở cấp tiểu bang và địa phương lại khó thực hiện hơn.
Ví dụ như khi cựu Thống đốc bang Arizona Doug Ducey đã hoan nghênh các phương tiện tự lái của Uber đến Arizona với vòng tay và con đường rộng mở vào năm 2016, thì chỉ ngay sau đó 2 năm đã phải ban hành lệnh cấm vì một vụ va chạm gây chết người. Sau đó, Uber đã bán hết các sản phẩm xe tự lái của mình.
Tuy nhiên, Elon Musk đang đặt cược rằng Tesla có thể biến robotaxi thành hiện thực thông qua việc cung cấp FSD (Full Self-Driving: Tự lái hoàn toàn) cho nhiều người tiêu dùng với mức giá phải chăng hơn. CEO Tesla đang thúc đẩy các đợt lái thử và dùng thử miễn phí 30 ngày để quảng bá tính năng này, đồng thời để thúc đẩy doanh thu và thu thập nhiều cảnh quay camera hơn. Tesla đang xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Buffalo, New York và Austin, nơi công ty đặt trụ sở chính, để xử lý các cảnh quay do phương tiện của họ ghi lại và đào tạo hệ thống lái xe của mình.
Nhưng những người quen thuộc với dự án cho biết địa điểm Buffalo ở quá xa, trong khi Austin thì đang vật lộn với tình trạng chi phí vượt mức ước tính ban đầu.